07/01/2019
Ngày hội Tình Người như Bác Hồ đang ở nơi đây
Sáng ngày 07/01/2019, chương trình Tết vì người nghèo của Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người bắt đầu triển khai trên nhiều tỉnh thành. Hàng chục đoàn tỏa đi các nơi để mang những món quà hữu hạn về vật chất nhưng lớn vô cùng về giá trị tư tưởng và tinh thần đến với bà con kịp đón Tết Kỷ Hợi.

Cái giá lạnh cuối đông Mậu Tuất theo chân đoàn Chi hội Tình Người về thăm hỏi tặng quà cho các thương bệnh binh nặng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Được gặp gần 100 người lính Cụ Hồ năm xưa, chúng tôi đi hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Thật không thể tưởng tượng nổi những hy sinh cao cả vô bờ, tinh thần anh dũng quật cường, những câu chuyện cảm động như chuyện cổ tích của các bác nơi đây.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Nguyễn Văn Iểng, 80 tuổi, quê ở Mỹ Đức, Hà Nội. Người lính từng tham gia chiến trường Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc bị thương nặng năm 1969, nay nằm một chỗ chống chọi với những cơn đau liên tiếp vì những viên bi, mảnh đạn còn găm trong cột sống chèn dây thần kinh làm ông bị tiền đình đến độ không thể đứng vững được.

Ông Nguyễn Văn Iểng thương binh nặng nằm một chỗ chống chọi với những cơn đau liên tiếp vì những viên bi, mảnh đạn còn găm trong cột sống.

Đằng sau những cơn đau giằng xé, chúng tôi cũng ngỡ ngàng bởi câu chuyện vô cùng cảm động, một tình yêu như chuyện cổ tích. Ông Iểng kể “Bị thương nặng quá tưởng chết. Khi vết thương hở đã lành thì những viên bi, mảnh đạn nó chẳng để cho mình yên. Vất vả vô cùng cho các cán bộ, y tá, hộ lý chăm sóc, nên khi cơn đau trỗi dậy, tôi cứ hoan hỷ vui vẻ, tếu táo để các chị hộ lý đỡ lo lắng. Chiến trường gian nguy thế chẳng sợ, sợ gì mấy cơn đau vô hình! Một quả bom rơi 19 người chết, mỗi tôi và một anh bạn còn sống, mình còn may mắn chán! Không ngờ cứ vui vẻ thế nên ông trời thương, làm động lòng cảm phục của bà nhà tôi”.

Ngập ngừng một lúc ông Iểng nói tiếp: “Lúc bấy giờ còn khó khăn lắm, nằm một chỗ nên gia đình bà ấy ngăn cản không cho tôi và bà ấy lấy nhau. Tôi cũng nói thật với bà ấy 'anh hơn em hẳn 1 giáp vả lại thương tật hơn 90% liệu còn sinh nở được không? Lấy anh vất vả lắm đấy!', nhưng bà ấy cương quyết yêu thương tôi, động viên tôi đến nhà bà ấy chơi. Cũng thật lòng thương bà ấy nên tôi lái xe lăn đến nhà. Trong làng bao nhiêu người đến hỏi mà không lấy lại cứ bám lấy tay thương binh này, làng họ dị nghị. Thấy tôi vui vẻ hòa đồng, tếu táo nên được cụ (mẹ vợ ông Iểng) đồng ý cho hai chúng tôi lấy nhau. Chúng tôi sinh được hai người con giờ chúng đã trưởng thành rồi. Thằng lớn làm giám đốc ngân hàng ở thành phố Bắc Ninh, lấy vợ cũng làm ngân hàng có được 2 cháu rồi. Còn cô con gái cũng đã đi làm”.

Ông Nguyễn Văn Cần, thương binh 1/4 (thương tật 96%) “tàn nhưng không phế”. Hơn 40 năm ông phải nằm sấp, ước mơ một ngày được nằm ngửa.

Là một thương binh “tàn nhưng không phế” đúng như lời Bác Hồ dậy, nghị lực phi thường của ông Nguyễn Văn Cần, thương binh 1/4 (thương tật 96%), quê xã Hoài Thương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh khiến chúng tôi vô cùng cảm kích! Tham gia chiến trường Tây Nam chống quân Pôn Pốt, trong chiến tranh ác liệt ông bị mảnh đạn DKZ cắt ngang ngực, từ phần ngực trở xuống hai chân bị nát liệt toàn phần. Hơn 40 năm nằm trên giường bệnh ông toàn phải nằm sấp, chưa một lần được nằm ngửa, vì bao nhiêu năm nằm trên giường bệnh là ngần đấy năm vết thương rỉ máu. Chúng tôi cũng ngỡ ngàng không kém khi ông Cần nói “Ước mơ lớn nhất của tôi là được một ngày nằm ngửa nhìn lên trần nhà để cho lòng cảm thấy thanh thản”. Ông chia sẻ “May mắn thế nào tôi vẫn còn sống. Khi mảnh đạn pháo DKZ cắt ngang như cắt thân cây chuối, ngọt lắm chú ạ. Lau mặt toàn thấy máu, sờ bụng thấy lòi ra hết rồi. Nhưng chẳng thấy đau gì. Khoảng 3 tiếng sau thì được đưa ra bên ngoài cấp cứu. Cô y tá khóc suốt, tay cầm chai tiếp nước cứ bảo tôi cố gắng nhé. Thực ra lúc đó mới thấy đau. Toàn bộ phần dưới không cảm giác gì. May đạn pháo nó phang ngọt như vậy chứ không chỉ có đau thôi không chịu nổi đã chết rồi”.

Ông Trần Ngọc Việt, Chi hội phó Chi hội Tình người đến tận nhà thăm hỏi động viên và trao quà Tết cho ông Nguyễn Văn Cần, thương binh 1/4 (thương tật 96%).

Ngày định mệnh đã đến, ông Cần kể tiếp: “Ngày ấy khó khăn, chỉ có Trung tâm mới có Ti vi để xem nên bà con trong làng ra xem đông lắm. Tôi quen nhà tôi trong buổi xem Ti vi. Cô ấy có một đời chồng, có một mụn con, vợ chồng đã chia tay nhau. Cô ấy chủ động đến với tôi. Tôi vui lắm nhưng cũng nói thật 'anh chẳng còn gì nữa đâu, hỏng hết rồi, lấy anh khổ lắm đấy!', nhưng nhà tôi nhất quyết nói 'thôi thì phần cuộc đời còn lại này chúng ta bù đắp cho nhau'. Ông Cần trầm ngâm: “Thực ra trong chiến đấu phải ra quyết định nhanh lắm, chẳng có thời gian mà suy nghĩ đâu. Nhưng trong chuyện này sao ra quyết định nó khó đến thế. Lấy người ta chỉ sợ người ta khổ. Ấy thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại đã được hơn 30 năm chung sống rồi đấy. Bà nhà tôi tốt tâm tốt tính lắm”.

Ông Nguyễn Quốc Trưởng, thương binh nặng trên 90%, sinh thời được sống và làm việc trực tiếp cùng với Bác Hồ ở núi rừng Pác Bó.

Trong không khí từng bừng ấm áp đầy tình người tỏa đi muôn phương xua tan cái lạnh giá của mùa Đông, các đoàn thi nhau báo cáo đã trao quà Tết rất nhiều nơi, nào là Hà Nam, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An… Cũng thời điểm này chúng tôi được tiếp chuyện ông Nguyễn Quốc Trưởng, người thương binh nặng trên 90%, liệt hai chân, hơn 50 năm nằm trên xe lăn. Ông chia sẻ: “Sinh thời tôi vô cùng may mắn được sống và làm việc trực tiếp cùng với Bác Hồ, vị Cha già dân tộc ở núi rừng Pác Bó hơn một năm. Công việc của tôi là văn thư, đánh máy chữ những công văn gửi đi các nơi. Sống cùng Bác đơn sơ, mộc mạc và đơn giản lắm chú ạ. Bác như ông nội tốt tâm tốt tính. Chăm sóc anh em cẩn thận chu đáo lắm. Ngủ cùng Bác trong một túp lều đơn sơ kê được hai cái giường đôi”. Ông Trưởng nói tiếp: “Hôm nay các anh các chị về đây vui lắm, những bài hát về Bác về chiến sĩ Cụ Hồ hay lắm, nhìn người nào người ấy khuôn mặt đều rạng ngời. Không khí vui tươi ấm áp đầy tình người như thể Bác Hồ đang ở nơi đây cùng chúng ta”.

Đoàn Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người chụp ảnh lưu niệm cùng các ông bà thương bệnh binh.

Những gì Tình Người đã, đang và sẽ làm như giúp đỡ bà con nghèo khó trên mọi miền của Tổ quốc thoát nghèo thoát khổ, mang lại giá trị tư tưởng tinh thần cho nhiều tầng lớp nhân dân bằng sự lan tỏa giá trị nhân đạo, lan tỏa tình yêu thương vô bờ bến, là minh chứng sâu sắc sự thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Nghĩa tình ấy cũng đúng với đạo lý làm người “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “lá lành đùm lá rách” mà ông cha ta ngàn năm để lại, là chân lý sáng soi cho thế hệ trẻ hôm nay.

23/07/2019 Sắc đỏ Tình Người hòa cùng màu xanh áo lính tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang, Bắc Giang Ngày 27/7 hằng năm là dịp để mỗi người con đất Việt tri ân tới các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh, những người đã hy sinh một phần xương máu trên chiến trường để bảo vệ sự bình yên của quê hương, đất nước. Nói về ý nghĩa của ngày 27/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn: "Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.

Xem tiếp

23/07/2019 Các hội viên, tình nguyện viên Tình Người hát chúc mừng các thương bệnh binh. Ông Nguyễn Vinh Hiển - Trưởng ban truyền thông và Phát triển nguồn lực, đại diện Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người trao biển tượng trưng tặng quà tri ân 27/7 cho các thương bệnh binh & Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Xem tiếp

08/11/2019 Niềm hạnh phúc của đoàn đại diện Tình Người khi được về với bà con huyện Phù Cừ Đại diện Tình Người cùng lãnh đạo địa phương trao nhà cho vợ chồng ông Bùi Xuân Thực Phù Cừ là một trong những huyện nghèo của tỉnh Hưng Yên. Kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp.

Xem tiếp

02/08/2019 Chiều 2/8/2019, đoàn Câu lạc bộ Tình Người, do ông Mai Văn Quý, Ủy viên Ban chấp hành Câu lạc bộ Tình Người làm trưởng đoàn đã vào Bệnh viện E (Hà Nội) để thăm hỏi, xem xét hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim cho bệnh nhân Ma Khai Hoa, dân tộc Mông ở xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, Hà Giang. Ông Mai Văn Quý  (hàng đầu, bên trái) và đoàn Câu lạc bộ Tình Người làm việc với đại diện Bệnh viện E thảo luận phương án hỗ trợ bệnh nhân Ma Khai Hoa  Mới 29 tuổi, nhưng Hoa đã có 3 con.

Xem tiếp