QUY CHẾ CỦA CHI HỘI, TRUNG TÂM, TRƯỜNG, PHÒNG KHÁM THUỘC THÀNH HỘI

QUY CHẾ

Tổ chức và hoạt động của các Chi hội tán trợ, Trường, Trung tâm, Phòng khám trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội

(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/QĐ-CTĐ ngày 28 tháng 02 năm 2017

Của Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội)

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

  1. Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của các đơn vị trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội.
  2. Quy chế này áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của các đơn vị trực thuộc.

Điều 2. Các đơn vị trực thuộc

Các đơn vị trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội là các Chi hội tán trợ, Trung tâm, Trường, Phòng khám được thành lập trên tinh thần tự nguyện của các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm muốn đóng góp cho hoạt động nhân đạo từ thiện của Hội, không phân biệt thành phần, dân tộc, tôn giáo, giới tính; hoạt động với mục đích nhân đạo dựa vào cộng đồng phù hợp với Luật Hoạt động Chữ thập đỏ Việt Nam, Luật Nhân đạo Quốc tế, Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các qui định hiện hành.

Điều 3. Mục đích, nội dung hoạt động

  1. Mục đích hoạt động: Phối hợp với các tổ chức, cá nhân thực hiện về cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; chăm sóc sức khỏe; sơ cấp cứu ban đầu; hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; tuyên truyền các giá trị nhân đạo; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa.
  2. Nội dung hoạt động bao gồm (hoạt động theo nội dung từ Điều 7 đến Điều 13 Luật Hoạt động Chữ thập đỏ):

- Hoạt động Chữ thập đỏ về cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo;

- Hoạt động Chữ thập đỏ về chăm sóc sức khỏe;

- Hoạt động Chữ thập đỏ về sơ cấp cứu ban đầu;

- Hoạt động Chữ thập đỏ về hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác;

- Hoạt động Chữ thập đỏ về tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa;

- Hoạt động Chữ thập đỏ về tuyên truyền các giá trị nhân đạo;

- Hoạt động Chữ thập đỏ về phòng ngừa, ứng phó thảm họa.

Điều 4. Phạm vi hoạt động

Các đơn vị trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Thành phố hoạt động trong phạm vi thành phố Hà Nội, khi có các hoạt động ở ngoài Thành phố phải báo cáo và có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Hội Chữ thập đỏ Thành phố mới được tổ chức hoạt động.

Điều 5. Nguyên tắc hoạt động

Tổ chức, hoạt động của các đơn vị trực thuộc Hội được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

  1. Tự nguyện, tự quản.
  2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.
  3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động.
  4. Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
  5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

CHƯƠNG II

ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC THÀNH LẬP

Điều 6. Điều kiện thành lập

  1. Có mục đích thành lập phù hợp với Khoản 1 Điều 3 Quy chế này.
  2. Có quy chế hoạt động tuân thủ Khoản 2 Điều 3 Quy chế này.
  3. Có trụ sở hoạt động hợp pháp (đối với Trường, Phòng khám, Trung tâm).
  4. Có danh sách hội viên, cán bộ, nhân viên đăng ký tham gia thành lập.
  5. Có danh sách Ban vận động.

Điều 7. Ban vận động thành lập

Khi thành lập Chi hội tán trợ, Trung tâm, Trường, Phòng khám thì những người sáng lập phải thành lập Ban vận động. Ban vận động thành lập phải được Hội Chữ thập đỏ Thành phố công nhận.

Người đứng đầu Ban vận động là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội; có đủ năng lực hành vi, có chứng nhận đảm bảo sức khỏe và có uy tín trong lĩnh vực hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Điều 8. Hồ sơ xin phép thành lập

  1. Đơn xin phép thành lập.
  2. Dự thảo Quy chế hoạt động của đơn vị.
  3. Dự thảo phương hướng hoạt động của đơn vị.
  4. Danh sách dự kiến thành viên Ban vận động.
  5. Lý lịch tư pháp của người đứng đầu (Bản chính hoặc bản sao công chứng).
  6. Bản kê khai tài sản đối với người đứng đầu ( có công chứng chứng minh phần tài sản hợp pháp của người đứng đầu sử dụng vào mục đích thành lập đơn vị);
  7. Văn bản xác nhận quyền sở hữu nhà đất nơi đặt trụ sở của cá nhân người đứng đầu hoặc hồ sơ chứng minh tài sản thuê mướn lâu dài (tối thiểu 5 năm) đối với nơi dự kiến đặt trụ sở.
  8. Giấy phép hoạt động chuyên môn do các cơ quan có thẩm quyền cấp.

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ

Điều 9Cơ cấu tổ chức

  1. Các đơn vị trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội có cơ cấu tổ chức đảm bảo các yêu cầu qui định trong Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và phù hợp với điều kiện, qui mô của các đơn vị trực thuộc.
  2. Các đơn vị trực thuộc không được thành lập các pháp nhân trực thuộc khi chưa được sự đồng ý của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội.
  3. Khi có thay đổi về nhân sự trong Ban lãnh đạo phải báo cáo bằng văn bản và phải có ý kiến của Hội Chữ thập đỏ thành phố thì mới được phép tiến hành thực hiện các qui trình bổ nhiệm chức danh lãnh đạo.

Điều 10. Nhiệm kỳ hoạt động

  1. Nhiệm kỳ của các đơn vị trực thuộc là 5 năm.
  2. Đối với Chi hội khi kết thúc nhiệm kỳ thì phải tổ chức Đại hội.
  3. Đối với các Trường, Trung tâm, Phòng khám khi kết thúc nhiệm kỳ thì phải thực hiện qui trình bổ nhiệm lại.

 

Điều 11. Quyền

  1. Được vận động kinh phí và hợp tác với tổ chức, các nhà hảo tâm để thực hiện các hoạt động nhân đạo theo đúng các quy định của pháp luật và Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
  2. Được tôn vinh, khen thưởng khi có thành tích trong hoạt động của Hội.
  3. Được tham gia các hoạt động, tham dự hội nghị, các cuộc họp liên quan tới hoạt động Hội khi được Hội Chữ thập đỏ Thành phố triệu tập.
  4. Được sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam theo quy định của Luật hoạt động Chữ thập đỏ và Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
  5. Được tham gia các lớp đào tạo tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ do Hội Chữ thập đỏ Thành phố tổ chức hoặc cử tham gia.

Điều 12. Nghĩa vụ

  1. Chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hoạt động và Điều lệ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
  2. Không được lợi dụng hoạt động nhân đạo để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức thuần phong mỹ tục của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; không làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự của tổ chức Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
  3. Chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và của Hội Chữ thập đỏ Thành phố.
  4. Báo cáo tình hình hoạt động của đơn vị theo tháng, quý, năm và đột xuất khi có yêu cầu của Hội Chữ thập đỏ Thành phố. Lập và lưu giữ các tài liệu, hồ sơ, sổ sách liên quan đến các hoạt động tại trụ sở của đơn vị.

CHƯƠNG IV

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN

Điều 13. Quản lý tài chính, tài sản

  1. Các đơn vị trực thuộc thực hiện quản lý tài chính, tài sản theo quy định của Nhà nước, qui định của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội và Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
  2. Lập sổ theo dõi tài sản, sổ kế toán theo dõi chi tiết các khoản thu, chi tài chính theo chế độ kế toán hiện hành.
  3. Việc sử dụng và quản lý các nguồn kinh phí phải thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ và theo đúng quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG V

   KIỂM TRA, GIÁM SÁT, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 14. Kiểm tra, giám sát

  1. Các đơn vị trực thuộc thực hiện chế độ tự kiểm tra theo qui định của pháp luật.
  2. Các đơn vị trực thuộc chịu sự kiểm tra, giám sát của Hội Chữ thập đỏ thành phố và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 15. Khen thưởng

Tập thể, cá nhân trong các đơn vị trực thuộc có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo được khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng theo qui định của Luật Thi đua, khen thưởng và Qui chế Thi đua, khen thưởng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội.

Điều 16Xử lý vi phạm

  1. Tập thể, cá nhân trong các đơn vị trực thuộc có hành vi trái với Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và qui chế này, làm tổn hại đến danh dự, uy tín của Hội thì tùy mức độ, tính chất sai phạm mà bị xử lý kỷ luật theo Điều lệ Hội hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
  2. Các đơn vị trực thuộc không đáp ứng các điều kiện hoạt động của đơn vị theo qui định; hoạt động không hiệu quả; vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của tổ chức Hội thì sẽ bị giải thể.
  3. Các đơn vị trực thuộc không thực hiện theo các nội dung của Quy chế này, tùy theo mức độ vi phạm Hội Chữ thập đỏ Thành phố có các hình thức kỷ luật phù hợp.

CHƯƠNG VI

ĐIỀU KHOẢN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH

Điều 17. Điều khoản thi hành

  1. Quy chế này có 06 Chương và 18 Điều.
  2. Cán bộ, nhân viên, hội viên, tình nguyện viên của các đơn vị trực thuộc; các phòng, ban chuyên môn thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
  3. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong quy chế này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo các văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung.

Điều 18. Tổ chức thực hiện

  1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
  2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề không phù hợp hoặc phát sinh, các đơn vị trực thuộc phản ánh kịp thời về Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội (qua Văn phòng - Tổ chức, Thi đua khen thưởng) để trình Ban Thường vụ Hội xem xét, sửa đổi, bổ sung.