- Trang chủ
-
/
Giới thiệu -
/
Tấm lòng vàng
NGƯỜI NGƯỜI LÀM NHÂN ĐẠO, NHÀ NHÀ LÀM NHÂN ĐẠO
Cho đi là còn mãi
26/05/2019
Kỷ Hợi – 2019
Năm Kỷ Hợi – 2019 là năm khởi đầu cho một thời kỳ mới, thời kỳ lan tỏa mạnh mẽ, phát triển vượt bậc của Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người. Tất cả những điều đó được gửi gắm trong lời chúc Tết đặc biệt làm lay động lòng người của ông Trần Ngọc Việt, Chi hội Phó Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người:
“Trí tuệ trùng trùng sóng Biển Đông
Kỷ Hợi mở tâm đón duyên hồng
Nhà nhà hạnh phúc đời an lạc
Xả thân sứ mệnh chẳng quản công”
26/05/2019
Mưa Xuân ấm áp Tình người
Chủ nhật ngày 17/3/2019, trong tiết trời se lạnh lất phất mưa bay, đậm chất Xuân, Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người chúng tôi trở lại Bệnh viện E và Bệnh viện K2 - những địa chỉ thân thuộc mà Tình Người đã gắn bó và trao gửi yêu thương suốt những năm tháng qua. Hơn 800 cô, bác, anh, chị đại diện cho hàng chục nghìn hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên, học viên từ khắp ba miền miền Bắc - Trung - Nam về đây hội tụ, màu áo Chữ thập đỏ sáng rực cả một góc trời.
Các hội viên Chi hội Tình Người cẩn thận tỉa từng ngọn cỏ, nhặt từng cành cây đem lại môi trường xanh, sạch, đẹp cho khuôn viên Bệnh viện E. Chỉ một thoáng, khắp sân Bệnh viện E đã sạch sẽ, ngăn nắp bởi bàn tay dọn dẹp, chăm sóc của các thành viên đến từ Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người.
“Đây là lần đầu tiên, tôi được đến bệnh viện để làm từ thiện với đúng nghĩa của nhân đạo. Hiện tôi đang là bác sĩ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh. Trước đây, khi còn là sinh viên Đại học Y khoa cho đến nay, tôi chưa từng hiểu thấu việc cho đi bằng chính hành động, cử chỉ, lời nói và nụ cười. Sự khác biệt của Chi hội Tình Người làm tôi vô cùng ngỡ ngàng. Vợ chồng tôi và bố vợ tôi đều được đón duyên học trí tuệ tại Chi hội và từ đó gia đình tôi đã sang một trang mới. Hôm nay, cả nhà tôi đều tới Bệnh viện E, được nhặt lá cây, quét rác tại sân bệnh viện mà hạnh phúc vô cùng. Tôi ấn định sẽ tham gia thật nhiều chương trình mà Tình Người đang và sẽ làm để lan tỏa bất tận trí tuệ đến đồng nghiệp, bạn bè tôi và tất cả mọi người”, bạn Lê Năng Hà Chưởng, lớp Chia sẻ 116 tâm sự với tôi khi lần đầu tiên được tham gia làm công tác từ thiện tại bệnh viện với Chi hội.
Đoàn Tình Người ân cần chu đáo, thăm hỏi các bệnh nhân ở Khoa Hô hấp dành cho các bệnh nhi.
Tôi được phân công đi đoàn đầu tiên do chị Lý làm Trưởng đoàn. Đoàn chúng tôi đi 8 phòng bệnh, ở phòng nào cũng rộn vang tiếng cười. Khi đến Khoa Hô hấp dành cho các bệnh nhi có một điều kỳ lạ làm chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, đó là trên tường của Khoa treo rất nhiều tranh, ảnh dành cho các bé như: tranh phong cảnh, tranh các con vật, thậm chí có cả một phòng tràn ngập đồ chơi mà hầu hết các bé đều yêu thích. “Cảnh quan của Khoa giúp các bé phấn chấn, không sợ kim tiêm và bác sĩ mỗi khi thấy bác sĩ vào phòng khám bệnh” mẹ cháu Bảo Hân đang điều trị tại đây chia sẻ với chúng tôi. Điều đó cho thấy, các bé ở đây được chăm sóc rất tận tình, chu đáo bởi bàn tay yêu thương và sự tinh tế của các y bác sĩ.
Các thành viên đoàn Tình Người trao tặng những món quà đến các bệnh nhi và gia đình của bé.
Khi đoàn vào thăm, mới đầu các cháu còn nhìn chúng tôi với ánh mắt ngơ ngác, nhưng sau một hồi làm quen, thấy chúng tôi vui vẻ, dễ mến, các cháu đã trở nên thân thiện hơn hẳn, thậm chí cháu Ngọc Vy còn nhoẻn miệng cười và đưa bàn tay xinh xinh với lấy tôi đòi bế. Cháu Ngọc Vy (tên thường gọi ở nhà là Chíp), mới 22 tháng tuổi, nhà ở Xuân Đỉnh, Hà Nội, bị viêm phổi cấp. Mẹ cháu tâm sự: “ Nhìn các cô, các bác, anh chị mặc áo đỏ vào thăm các cháu, trong đó có cháu Vy, em vô cùng biết ơn. Các anh chị đúng là mang tình người đến với chúng em. Ai cũng ân cần, chu đáo, tận tình chia sẻ yêu thương. Như vậy cũng thấy ấm lòng rồi”. Mẹ của cháu Vy còn hỏi tôi: “Chị ơi! Làm thế nào để em được tham gia như các anh chị”? Tôi trả lời: “Nụ cười của em luôn nở trên môi, truyền năng lượng tích cực cho con của em và mọi người xung quanh, như vậy đã là đặc sản của Tình Người rồi!”.
Một nhân duyên đặc biệt đến với tôi trong chuyến thiện nguyện này khi tôi gặp một bác cùng quê Thanh Hoá đó là bác Thanh 63 tuổi, ra chăm cháu Nguyễn Minh Quân. Gặp đồng hương, như cởi tấm lòng, bác Thanh tâm sự: “Cháu Minh Quân bị viêm phế quản cấp vào đây được 5 ngày, trước Tết cháu đã bị viêm phổi phải đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương. Mẹ con, bà cháu cứ hết bệnh viện này sang bệnh viện khác. May đến đây, bệnh của cháu Quân thuyên giảm và có tiến triển tốt. Bác sĩ ở đây tốt và nhiệt tình lắm cháu à”. Bác rơm rớm nước mắt nhìn bé Quân kể tiếp: “Kim tiêm như vậy mà cháu rất ngoan, chả thấy khóc, thương quá. Hôm nay, được đón đoàn Tình Người đến thăm, bà cháu tôi vui lắm, không biết nói gì hơn là gửi lời cảm on chân thành tới toàn đoàn”.
Những nụ cười tươi tắn, rạng rỡ thể hiện niềm vui và hạnh phúc của các bệnh nhân khi đón nhận những món quà và tình cảm ấm áp, chân thành từ các thành viên Chi hội Tình Người.
Kết thúc chương trình thiện nguyện, chúng tôi lại tập trung ở sân của bệnh viện để lắng nghe những chia sẻ về các giá trị sâu sắc mà các thành viên tham gia hôm nay nhận được. Bác Lê Thị Đông, 62 tuổi, tuy chưa được đón duyên học trí tuệ tại Tình Người, nhưng con gái của bác học tại đây và đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Từ đó, bác khát khao được đến nơi đã làm con gái bác trở nên tuyệt vời. Trong lần đầu tiên được con gái đưa đi làm từ thiện tại Bệnh viện E, khi nhận được các giá trị, bác đã không ngần ngại, hăng hái đứng lên chia sẻ: “Từ ngày còn trẻ, tôi đã mong được cho đi, nhưng không biết cho đi thế nào mới đúng. Thật may, hôm nay tôi được tham gia từ thiện tại Bệnh viện E. Tôi hạnh phúc quá! Nhìn những người bệnh ở đây mà mình thấy mình quá may mắn vì còn được khoẻ mạnh”. Khi được ông Kim Bình Trọng, Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình người hỏi: “Nếu bác được tặng chiếc áo Chữ thập đỏ này, bác có cảm nhận thế nào?”, bác đã xúc động trả lời: “Ôi, tôi hạnh phúc quá, sung sướng quá! Chắc chắn tôi sẽ quyết tâm học trí tuệ để lan tỏa các giá trị tuyệt vời của trí tuệ cho họ hàng, anh chị em và bà con xóm làng”. Trước lòng nhiệt huyết và chân thành của bác, ông Kim Bình Trọng đã trân trọng tặng và tự tay khoác lên mình bác Đông chiếc áo Chữ thập đỏ trong niềm hân hoan khó tả.
Bác Lê Thị Đông, 62 tuổi vô cùng sung sướng và hạnh phúc khi được ông Kim Bình Trọng - Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người trao tặng chiếc áo Chữ thập đỏ.
Bạn Trương Long, học viên mới học xong buổi 4 chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em đi từ thiện tại Bệnh viện E, lần trước là ở Bệnh viện K2. Qua những gì được chứng kiến, em thấy Tình Người làm từ thiện quá khác biệt, làm đúng người, ân cần, chu đáo, trao tận tay các bệnh nhân nghèo, giúp họ tăng thêm sức mạnh về tinh thần vượt qua bệnh tật. Trước đây, em đã từng tham gia rất nhiều chương trình từ thiện và các dự án dành cho cộng đồng nhưng đây là lần đầu tiên em được hiểu đúng nghĩa của việc cho đi. Cho đi ở đây vật chất là cái cuối cùng, cho đi tư tưởng, tinh thần và sự sẻ chia giúp họ vượt qua khó khăn, bệnh tật mới thật là đáng trân quý”.
Kết thúc buổi thiện nguyện đầy ý nghĩa, các thành viên Chi hội Tình Người cùng nhau hát vang ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.
Tình người ấm áp giữa mưa Xuân, sự đồng tâm, đồng duyên, đồng chí hướng, để làm những việc đúng, đáng, đàng hoàng và đẳng cấp đã, đang và sẽ tiếp tục lan tỏa trên mọi miền của Tổ quốc đúng như lời Bác Hồ căn dặn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” được cả đoàn Tình Người hát vang kết thúc một buổi chiều vô cùng ý nghĩa.
26/05/2019
Lời cảm nguyện
Trong tâm hồn mỗi chúng ta luôn có những điều kỳ diệu và tình yêu thương. Khi tâm hồn ấy ngân lên xúc động và hòa quyện với những tâm hồn đồng điệu sẽ dặt dìu thành những vần thơ. Một bác bảo vệ ở Bệnh viện E đã cảm nguyện như thế khi hơn một năm chứng kiến những hoạt động của Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người tại Bệnh viện E...
Lòng trắc ẩn với đời muôn cảnh ngộ
Lòng từ bi sâu thẳm tự tâm hồn
Giữa cuộc đời tâm sáng đáng suy tôn
Tâm thiện nguyện giúp người người bớt khổ
Lời Phật dạy “giúp được ai chớ kể”
Tâm thiện lương tức Phật ở trong ta
Sáng như gương soi rọi khắp muôn nơi
Không kể công, có Trời cao chứng giám
Nụ cười tươi Tình Người tỏa rạng
Trên sự kiên trì cố gắng mỗi chúng ta…
26/05/2019
Rực rỡ Tình Người - Kết nối, sẻ chia và lan tỏa
Chủ nhật ngày 21/4/2019, trong không khí hân hoan chào mừng ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019) và thiết thực hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm 2019 do Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phát động từ ngày 1/5 đến ngày 31/5/2019, Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người chúng tôi trở lại Bệnh viện E và Bệnh viện K2 - nơi Tình Người đã gắn bó và trao gửi yêu thương suốt 9 năm qua.
Hơn 300 suất quà trị giá 163 triệu đồng đã được trao tại Bệnh viện E. Hơn 500 cô, bác, anh, chị đại diện cho hàng chục nghìn hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên, học viên từ khắp ba miền miền Bắc - Trung - Nam về đây hội tụ trong một ngày đầu hè nắng vàng rực rỡ.
Màu áo Chữ thập đỏ của các thành viên trong đoàn Tình Người rực rỡ cả một góc Bệnh viện E.
Một nhân duyên vô cùng tuyệt vời đến với tôi, trong suốt những lần đi từ thiện tại Bệnh viện E, đây là lần đầu tiên tôi đến khu nhà I, nơi dành cho các bệnh nhân Khoa Hô hấp. Trưởng đoàn số 7 của tôi là anh Vũ Đề.
Hôm qua, trong câu chuyện kể về ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bố tôi có nói với tôi về kỷ vật trong ngày 30/4/1975 mà bố đã tặng mẹ, đó là chiếc khăn voan. Bố tôi kể trong niềm xúc động nghẹn ngào: “Trên đường ra Bắc trở về quê hương, bố đi qua thành phố Huế và mua chiếc khăn này tại 40 Duy Tân (gần cầu Trường Tiền) để tặng mẹ con mừng ngày chiến thắng”. Đây chính là kỷ vật thiêng liêng của anh bộ đội cụ Hồ đã mua tặng vợ trong ngày trở về đoàn tụ khi chiến tranh kết thúc. Trước khi mẹ tôi mất, mẹ đã trao tặng chiếc khăn ấy lại cho tôi. Từ đó đến nay, tôi luôn nâng niu, gìn giữ và trân trọng kỷ vật này vô cùng.
Và thật ngỡ ngàng trong buổi hôm nay, khi đến Bệnh viện E, tôi đã gặp lại đồng đội của bố, cũng là bộ đội lái xe đường Trường Sơn huyền thoại, đó là bác Ngô Đức Hựu, 75 tuổi, ở Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm. Những câu chuyện của bác Hựu giúp chúng tôi hiểu hơn về một thời kháng chiến anh dũng, kiên cường, một thời hoa lửa hào hùng của thế hệ cha anh. Bác chia sẻ: “Bác làm giao liên thuộc Tiểu đoàn 20, Đại đoàn C4D5. Công việc của các bác là giao liên, thồ gạo vượt tuyến sông Sê Băng Hiêng - một dòng sông gắn liền với bao gian khổ, mất mát, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào. Bom đạn của đế quốc Mỹ cày xới mảnh đất này suốt ngày, nhưng các bác vẫn xông pha, không ngại gian khổ, vận chuyển lương thực chi viện cho chiến trường. Dù trong khó khăn, gian khổ như vậy nhưng bác và các đồng đội vẫn luôn cất cao lời ca tiếng hát “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”... Bác nói tiếp: “Hôm nay, lần đầu tiên bác nhìn thấy màu áo đỏ nhiều như vậy. Bác đã gặp rất nhiều đoàn từ thiện, nhưng không đoàn nào giống Tình Người: ấm áp, thân thương. Màu áo của các cháu làm bác nhớ về ngày giải phóng miền Nam, rực một màu cờ đỏ”.
Bác Trần Duy Kim, 76 tuổi, nhà ở quận Cầu Giấy bị phổi tắc nghẽn, vào điều trị tại Bệnh viện E được 7 ngày, khi được hỏi: “Bác nhớ nhất kỷ niệm nào về con đường huyền thoại 559?”, bác đã tâm sự: “Mình là thanh niên xung phong của con đường lịch sử này, vô cùng tự hào là chiến sĩ giải phóng quân, chiến đấu trên con đường được mang tên Bác - đường Hồ Chí Minh! Có những ngày mưa bom của địch dội 24/24 giờ. Bom đạn là thế, chả thá gì, các bác vẫn hành quân trong đêm tối, chia lửa cho chiến trường miền Nam”. Giọng bác Kim sang sảng khi nói về những ngày tháng hào hùng ấy.
Bác Nguyễn Gia Côi, 73 tuổi, bệnh nhân phổi tắc nghẽn, mang trong mình hai căn bệnh: thương binh mất 53% sức khoẻ và nhiễm chất độc da cam. Chúng tôi rất bất ngờ được biết hiện nay, bác Côi đang làm chủ một doanh nghiệp trồng bưởi Diễn, với hơn 1.000 gốc bưởi có tuổi đời hơn 20 năm. Bác chia sẻ: “Năm 1964, bác chiến đấu ở mặt trận Quảng - Đà, ăn đói, mặc rét, 3 lần bị thương nặng, nhưng ý chí chiến đấu cao ngất trời, quyết tử để bảo vệ Tổ quốc. Bác còn nhớ như in lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta” và” Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng ko bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên!”. Bác Côi còn cho biết thêm: “Các bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện E nhiệt tình, chu đáo và rất cẩn thận chăm lo sức khoẻ cho các bác, đúng là lương y như từ mẫu, cháu ạ”. Khi đón nhận món quà nhỏ và lời hỏi thăm, chúc sức khỏe chân thành, nồng hậu từ một thành viên của đoàn Tình Người, tôi chợt thấy mắt bác rưng rưng, ánh lên một niềm xúc động khó tả.
Niềm vui, nụ cười và niềm xúc động của các bệnh nhân khi đón nhận những món quà cùng tình cảm yêu thương, chân thành của các thành viên trong đoàn Tình Người.
Đi cùng với đoàn Tình Người trong lần đầu tiên đến Bệnh viện E, chị Trương Thị Vân, nhóm Tình Người 6 cho biết: “Tình Người làm nhân đạo tuyệt vời quá em ạ! Từ trái tim đến với trái tim. Cho đi không mong nhận lại. Giờ chị mới hiểu nhân đạo là cứu giúp người cả về tư tưởng, tinh thần, trí tuệ, cuối cùng mới là vật chất. Nhìn nụ cười rạng rỡ của các bác bệnh nhân, chị thấy mình cần phải cho đi nhiều hơn em ạ, cho đi từ nụ cười, ánh mắt và hành động thiết thực vì cộng đồng”.
Bạn Nguyễn Thị Hiền, lớp Chia sẻ 98, nhóm Tình Người 9 cũng xúc động chia sẻ: “Chồng em cũng bị bệnh viêm phổi, hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Hôm nay, em đã gặp đồng hương La Khê (Hà Tây cũ), quận Hà Đông, bác tên là Vũ Thị Hồng Việt, hơn 90 tuổi, trước đây là bác sĩ tại Bệnh viên đa khoa Đống Đa. Khi được đón trí tuệ tại Tình Người, em mới thấu hiểu giá trị của việc cho đi và hai từ Nhân Đạo”.
Các thành viên trong đoàn Tình Người hân hoan chia sẻ những giá trị sâu sắc đã nhận được sau một buổi thiện nguyện đầy ý nghĩa.
Kết thúc chuyến thiện nguyện đầy ý nghĩa, những thành viên trong đoàn Tình Người chúng tôi ra về trong sự bịn rịn, trong lòng luôn ghi nhớ, trân trọng và biết ơn về sự hy sinh của lớp lớp cha ông, thế hệ các bác, các chú đã lập nên những chiến công oanh liệt, cống hiến cả tuổi thanh xuân cùng những gì tốt đẹp nhất để viết nên những trang vàng chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chúng con hôm nay, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, nguyện sống, làm việc, cống hiến theo tư tưởng, tinh thần của Bác Hồ bằng trí tuệ và tình yêu thương lan toả khắp muôn nơi.
ĐỒNG DUYÊN - ĐỒNG TÂM - ĐỒNG CHÍ HƯỚNG - ĐÚNG - ĐÁNG - ĐÀNG HOÀNG - ĐẲNG CẤP