QUY CHẾ NỘI BỘ CỦA CHI HỘI

 QUY CHẾ

Tổ chức và hoạt động của Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người

Quy chế được ông Nguyễn Sỹ Trường - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội ký phê duyệt ngày 18 tháng 01 năm 2018

(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/QĐ-CTĐTN ngày 18 tháng 11 năm 2017

của Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người)

------------------------------

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Quy chế tổ chức và hoạt động của Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người (sau đây gọi tắt là Chi hội) quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, lề lối làm việc, mối quan hệ lề lối làm việc và hoạt động của Chi hội.

2. Những vấn đề khác Quy chế không quy định hoặc không đề cập đến trong Quy chế này thì thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội và quy định của pháp luật hiện hành.

3. Các tập thể và cá nhân thuộc Chi hội chịu sự điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực và phạm vi hoạt động của Chi hội

1. Tôn chỉ, mục đích của Chi hội theo tôn chỉ mục đích của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được quy định tại Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị trực thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội.

2. Chi hội hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo phạm vi thành phố Hà Nội và các tỉnh theo Luật hoạt động Chữ thập đỏ và pháp luật của Nhà nước, dưới dự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp, toàn diện mọi mặt của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội.

3. Chi hội tham gia thực hiện hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động chữ thập đỏ.

Điều 3. Nhiệm vụ của Chi hội

1. Tuyên truyền các giá trị nhân đạo; vận động hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên và các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động nhân đạo của Chi hội và của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, giúp đỡ những người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.

2. Xây dựng tổ chức Chi hội vững mạnh; chia sẻ nội bộ cho cộng đồng, hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên về các giá trị nhân đạo dựa trên:

     - Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác nhân đạo;

     - Truyền thống nhân ái, tình yêu thương con người của dân tộc Việt Nam;

     - 7 nguyên tắc của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Điều 4. Quyền lợi và trách nhiệm của Chi hội

1. Chi hội có quyền tuyên truyền tôn chỉ, mục đích của Chi hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Chi hội và hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên; được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho hội viên khi được Hội Chữ thập đỏ Thành phố triệu tập.

2. Chi hội có trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Chi hội và Quy chế tổ chức và hoạt động của Chi hội. Báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của Chi hội theo quy định; chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Hội Chữ thập đỏ Thành phố các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tuân thủ pháp luật.

Chương II

CƠ CẤU TỐ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHI HỘI

Điều 5: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chi hội

1. Cơ quan lãnh đạo Chi hội là Đại hội đại biểu Chi hội. Đại hội được tổ chức định kỳ 5 năm 1 lần. Đại hội bầu Ban chấp hành Chi hội để điều hành hoạt động giữa hai kỳ Đại hội.

2. Nguyên tắc tổ chức của Chi hội là dân chủ, hiệp thương, thống nhất hành động theo bảy (07) nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế: Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu và nguyên tắc 7Đ của Chi hội: Đồng duyên, Đồng tâm, Đồng chí hướng, Đúng, Đáng, Đàng hoàng, Đẳng cấp.

3. Nếu có quá nửa tổng số thành viên chính thức của Chi hội yêu cầu hoặc tình hình đặc biệt thì Ban chấp hành Chi hội triệu tập Đại hội bất thường.

 4. Tổ chức của Chi hội gồm có:

a) Ban chấp hành: do Đại hội bầu, số lượng thành viên Ban chấp hành do Đại hội quyết định. Ban Chấp hành được Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội công nhận. Thành phần Ban Chấp hành gồm có: Chi hội trưởng, các Phó Chi hội trưởng và các Ủy viên phụ trách các Ban chuyên môn.

b) Thường trực Ban chấp hành: gồm có Chi hội trưởng và các Phó Chi hội trưởng (gọi tắt là Ban Thường trực).

c) Các Ban chuyên môn: do Ban Chấp hành thành lập gồm có 7 ban như sau:

     - Ban Kiểm tra.

     - Ban Tổ chức - Hành chính.

     - Ban Tài chính.

     - Ban Truyền thông và phát triển nguồn lực.

     - Ban Công tác Nhân đạo.

     - Ban Đối ngoại.

     - Ban Đời sống.

5. Chi hội hoạt động tuân thủ theo Luật hoạt động Chữ thập đỏ, Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Quy chế Tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Thành phố, Quy chế tổ chức và hoạt động của Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người.

Điều 6: Nguyên tắc làm việc

1. Chi hội trưởng là người đứng đầu thực hiện quản lý, điều hành hoạt động Chi hội; chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi hội.

2. Phó Chi hội trưởng là người giúp Chi hội trưởng chỉ đạo thực hiện một số mặt công tác của Chi hội.

3. Các Trưởng ban tham mưu trực tiếp cho Chi hội trưởng, Phó Chi hội trưởng trên lĩnh vực công tác được phân công, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm trước Chi hội trưởng và Phó Chi hội trưởng về nhiệm vụ điều hành.

Chương III

MỐI QUAN HỆ LÀM VIỆC VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 7. Quan hệ làm việc trong Chi hội

1. Chi hội trưởng chịu trách nhiệm mọi mặt công việc của Chi hội, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của Phó Chi hội trưởng và các Ban; thông báo kịp thời các nghị quyết, chủ trương, kế hoạch công tác của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội liên quan đến Chi hội.

2. Phó Chi hội trưởng giúp Chi hội trưởng lãnh đạo chung công tác của Chi hội.

3. Quan hệ làm việc giữa hội viên, tình nguyện viên là bình đẳng, tương trợ, hợp tác để cùng hoàn thành nhiệm vụ.

4. Quan hệ làm việc giữa Chi hội với Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội: là quan hệ cấp trên trực tiếp và có sự thống nhất trong các hoạt động nhân đạo.

Điều 8. Thực hiện chế độ báo cáo

1. Trước khi tổ chức các hoạt động nhân đạo, Chi hội báo cáo Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội theo quy định.

2. Định kỳ hàng tháng Chi hội báo cáo kết quả hoạt động nhân đạo với Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội.

3. Trước ngày 20 tháng 12 hàng năm Chi hội báo cáo Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội theo quy định. Khi có việc đột xuất cần xin chủ trương của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội thì Chi hội có thể báo cáo bằng điện thoại, mail hoặc tin nhắn để kịp thời giải quyết công việc.

4. Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội kiểm tra về các hoạt động của Chi hội 06 tháng / 1 lần.

Chương IV

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CỦA CHI HỘI

Điều 9. Tài chính của Chi hội

Tài chính của Chi hội được quản lý theo quy định hiện hành.

1. Tài chính Hành chính gồm có:

a) Nguồn thu:

     - Hội phí của hội viên và tình nguyện viên.

     - Đóng góp tự nguyện của hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên và các nhà hảo tâm nhằm xây dựng Chi hội ngày một phát triển.

b) Các khoản chi:

     - Chi phí thuê văn phòng.

     - Các khoản chi cho các hoạt động hành chính của Chi hội.

     - Các khoản chi hợp lệ khác.

2. Tài chính Công tác Nhân đạo gồm có:

a) Nguồn thu:

     - Ủng hộ của hội viên và tình nguyện viên, cộng tác viên.

     - Các nguồn thu hợp pháp khác.

b) Các khoản chi:

     - Chi cho các chương trình công tác nhân đạo của Ban Chấp hành Chi hội theo kế hoạch đã được Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phê duyệt.

     - Chi cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo.

Việc quản lý, sử dụng tài chính của Chi hội được thực hiện theo các quy định của Nhà nước, của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, Quy chế tài chính của Chi hội đảm bảo công khai, minh bạch. Ban Kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra tài chính của Chi hội 01 tháng/1 lần, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội kiểm tra tài chính của Chi hội 03 tháng/1 lần.

Điều 10. Tài sản của Chi hội

1. Ban Tài chính chịu trách nhiệm mở sổ theo dõi và quản lý tài sản riêng của Chi hội.

2. Ban Kiểm tra thực hiện công tác kiểm tra định kỳ các tài sản của Chi hội.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT CỦA CHI HỘI

Điều 11. Khen thưởng của Chi hội

1. Các tập thể và cá nhân trong Chi hội có thành tích xuất sắc trong công tác của Chi hội và phong trào Chữ thập đỏ được đề nghị khen thưởng.

2. Ban Chấp hành quy định công tác thi đua, khen thưởng của Chi hội.

Điều 12. Kỷ luật của Chi hội

1. Hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên phải chấp hành theo quy định như sau:

     - Không phát tán, tuyên truyền những ấn phẩm, sách liên quan đến tôn giáo, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Chi hội gây ảnh hưởng đến các hoạt động nhân đạo của Chi hội.

     - Không làm bất cứ việc gì ảnh hưởng đến đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

     - Không được tuyên truyền mê tín dị đoan, bán hàng đa cấp hay tổ chức các hoạt động trái pháp luật tại Chi hội. Không quảng cáo, chào bán các sản phẩm cá nhân.

     - Không được tự ý quyên góp tiền bạc và vật chất vì bất cứ mục đích gì khi chưa có thông báo về kế hoạch hoạt động của Chi hội.

     - Gia đình Hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên phải đồng thuận với Hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên trong việc học tập và tham gia các hoạt động tại Chi hội. Nếu Hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên để người thân của mình đến Chi hội khiếu nại, gây mất trật tự thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chi hội và xin chịu mọi hình thức kỷ luật của Chi hội.

Cá nhân nào vi phạm Quy chế hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam.

2. Các hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên trong Chi hội vi phạm Điều lệ Hội Chữ thập đỏ, các quy chế, quy định và nội quy của Chi hội và làm tổn hại đến danh dự, uy tín của Chi hội thì tùy mức độ, tính chất vi phạm mà có thể chịu các hình thức kỷ luật sau: khiển trách, cảnh cáo và khai trừ khỏi Chi hội.

3. Thẩm quyền thi hành kỷ luật:

a) Đối với kỷ luật hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên:

Ban Kiểm tra xem xét đề nghị hình thức kỷ luật hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên. Ban chấp hành Chi hội quyết định và báo cáo với Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội.

4. Quyền của hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên khi bị thi hành kỷ luật:

a) Được trình bày vi phạm, khuyết điểm của mình tr­ước Ban Kiểm tra hoặc Ban Thường trực.

b) Được khiếu nại về hình thức kỷ luật của mình lên Ban chấp hành. Thời gian khiếu nại kỷ luật không quá 3 tháng kể từ khi quyết định kỷ luật đ­ược công bố.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn thực hiện Quy chế của Chi hội

1. Quy chế này do Ban Chấp hành Chi hội thống nhất xây dựng và được Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phê duyệt.

2. Chi hội trưởng, Phó Chi hội trưởng có trách nhiệm quán triệt đến tất cả các hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên của Chi hội để thực hiện nghiêm túc.

Điều 14. Hiệu lực thực hiện Quy chế của Chi hội

1. Quy chế này gồm có 6 (sáu) Chương, 14 (mười bốn) Điều và có hiệu lực từ ngày Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phê duyệt.

2. Tất cả các hội viên, tình nguyện viên và cộng tác viên chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế này.