Rực rỡ Tình Người - Kết nối, sẻ chia và lan tỏa

Sáng tác:
Chủ đề:Cây đời mãi mãi xanh tươi

Lời: Rực rỡ Tình Người - Kết nối, sẻ chia và lan tỏa

Chủ nhật ngày 21/4/2019, trong không khí hân hoan chào mừng ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019) và thiết thực hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm 2019 do Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phát động từ ngày 1/5 đến ngày 31/5/2019, Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người chúng tôi trở lại Bệnh viện E và Bệnh viện K2 - nơi Tình Người đã gắn bó và trao gửi yêu thương suốt 9 năm qua.

Hơn 300 suất quà trị giá 163 triệu đồng đã được trao tại Bệnh viện E. Hơn 500 cô, bác, anh, chị đại diện cho hàng chục nghìn hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên, học viên từ khắp ba miền miền Bắc - Trung - Nam về đây hội tụ trong một ngày đầu hè nắng vàng rực rỡ.

Màu áo Chữ thập đỏ của các thành viên trong đoàn Tình Người rực rỡ cả một góc Bệnh viện E.

Một nhân duyên vô cùng tuyệt vời đến với tôi, trong suốt những lần đi từ thiện tại Bệnh viện E, đây là lần đầu tiên tôi đến khu nhà I, nơi dành cho các bệnh nhân Khoa Hô hấp. Trưởng đoàn số 7 của tôi là anh Vũ Đề.

Hôm qua, trong câu chuyện kể về ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bố tôi có nói với tôi về kỷ vật trong ngày 30/4/1975 mà bố đã tặng mẹ, đó là chiếc  khăn voan. Bố tôi kể trong niềm xúc động nghẹn ngào: “Trên đường ra Bắc trở về quê hương, bố đi qua thành phố Huế và mua chiếc khăn này tại 40 Duy Tân (gần cầu Trường Tiền) để tặng mẹ con mừng ngày chiến thắng”. Đây chính  là kỷ vật thiêng liêng của anh bộ đội cụ Hồ đã mua tặng vợ trong ngày trở về đoàn tụ khi chiến tranh kết thúc. Trước khi mẹ tôi mất, mẹ đã trao tặng chiếc khăn ấy lại cho tôi. Từ đó đến nay, tôi luôn nâng niu, gìn giữ và trân trọng kỷ vật này vô cùng.

Và thật ngỡ ngàng trong buổi hôm nay, khi đến Bệnh viện E, tôi đã gặp lại đồng đội của bố, cũng là bộ đội lái xe đường Trường Sơn huyền thoại, đó là bác Ngô Đức Hựu, 75 tuổi, ở Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm. Những câu chuyện của bác Hựu giúp chúng tôi hiểu hơn về một thời kháng chiến anh dũng, kiên cường, một thời hoa lửa hào hùng của thế hệ cha anh. Bác chia sẻ: “Bác làm giao liên thuộc Tiểu đoàn 20, Đại đoàn C4D5. Công việc của các bác là giao liên, thồ gạo vượt tuyến sông Sê Băng Hiêng - một dòng sông gắn liền với bao gian khổ, mất mát, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào. Bom đạn của đế quốc Mỹ cày xới mảnh đất này suốt ngày, nhưng các bác vẫn xông pha, không ngại gian khổ, vận chuyển lương thực chi viện cho chiến trường. Dù trong khó khăn, gian khổ như vậy nhưng bác và các đồng đội vẫn luôn cất cao lời ca tiếng hát “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”... Bác nói tiếp: “Hôm nay, lần đầu tiên bác nhìn thấy màu áo đỏ nhiều như vậy. Bác đã gặp rất nhiều đoàn từ thiện, nhưng không đoàn nào giống Tình Người: ấm áp, thân thương. Màu áo của các cháu làm bác nhớ về ngày giải phóng miền Nam, rực một màu cờ đỏ”.

Bác Trần Duy Kim, 76 tuổi, nhà ở quận Cầu Giấy bị phổi tắc nghẽn, vào điều trị tại Bệnh viện E được 7 ngày, khi được hỏi: “Bác nhớ nhất kỷ niệm nào về con đường huyền thoại 559?”, bác đã tâm sự: “Mình là thanh niên xung phong của con đường lịch sử này, vô cùng tự hào là chiến sĩ giải phóng quân, chiến đấu trên con đường được mang tên Bác - đường Hồ Chí Minh! Có những ngày mưa bom của địch dội 24/24 giờ. Bom đạn là thế, chả thá gì, các bác  vẫn hành quân trong đêm tối, chia lửa cho chiến trường miền Nam”. Giọng bác Kim sang sảng khi nói về những ngày tháng hào hùng ấy. 

Bác Nguyễn Gia Côi, 73 tuổi, bệnh nhân phổi tắc nghẽn, mang trong mình hai căn bệnh: thương binh mất 53% sức khoẻ và nhiễm chất độc da cam. Chúng tôi rất bất ngờ được biết hiện nay, bác Côi đang làm chủ một doanh nghiệp trồng bưởi Diễn, với hơn 1.000 gốc bưởi có tuổi đời hơn 20 năm. Bác chia sẻ: “Năm 1964, bác chiến đấu ở mặt trận Quảng - Đà, ăn đói, mặc rét, 3 lần bị thương nặng, nhưng ý chí chiến đấu cao ngất trời, quyết tử để bảo vệ Tổ quốc. Bác còn nhớ như in lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta” và” Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng ko bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên!”. Bác Côi còn cho biết thêm: “Các bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện E nhiệt tình, chu đáo và rất cẩn thận chăm lo sức khoẻ cho các bác, đúng là lương y như từ mẫu, cháu ạ”. Khi đón nhận món quà nhỏ và lời hỏi thăm, chúc sức khỏe chân thành, nồng hậu từ một thành viên của đoàn Tình Người, tôi chợt thấy mắt bác rưng rưng, ánh lên một niềm xúc động khó tả.

Niềm vui, nụ cười và niềm xúc động của các bệnh nhân khi đón nhận những món quà cùng tình cảm yêu thương, chân thành của các thành viên trong đoàn Tình Người.

Đi cùng với đoàn Tình Người trong lần đầu tiên đến Bệnh viện E, chị Trương Thị Vân, nhóm Tình Người 6 cho biết: “Tình Người làm nhân đạo tuyệt vời quá em ạ! Từ trái tim đến với trái tim. Cho đi không mong nhận lại. Giờ chị mới hiểu nhân đạo là cứu giúp người cả về tư tưởng, tinh thần, trí tuệ, cuối cùng mới là vật chất. Nhìn nụ cười rạng rỡ của các bác bệnh nhân, chị thấy mình cần phải cho đi nhiều hơn em ạ, cho đi từ nụ cười, ánh mắt và hành động thiết thực vì cộng đồng”.

Bạn Nguyễn Thị Hiền, lớp Chia sẻ 98, nhóm Tình Người 9 cũng xúc động chia sẻ: “Chồng em cũng bị bệnh viêm phổi, hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Hôm nay, em đã gặp đồng hương La Khê (Hà Tây cũ), quận Hà Đông, bác tên là Vũ Thị Hồng Việt, hơn 90 tuổi, trước đây là bác sĩ tại Bệnh viên đa khoa Đống Đa. Khi được đón trí tuệ tại Tình Người, em mới thấu hiểu giá trị của việc cho đi và hai từ Nhân Đạo”.

Các thành viên trong đoàn Tình Người hân hoan chia sẻ những giá trị sâu sắc đã nhận được sau một buổi thiện nguyện đầy ý nghĩa.

Kết thúc chuyến thiện nguyện đầy ý nghĩa, những thành viên trong đoàn Tình Người chúng tôi ra về trong sự bịn rịn, trong lòng luôn ghi nhớ, trân trọng và biết ơn về sự hy sinh của lớp lớp cha ông, thế hệ các bác, các chú đã lập nên những chiến công oanh liệt, cống hiến cả tuổi thanh xuân cùng những gì tốt đẹp nhất để viết nên những trang vàng chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chúng con hôm nay, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, nguyện sống, làm việc, cống hiến theo tư tưởng, tinh thần của Bác Hồ bằng trí tuệ và tình yêu thương lan toả khắp muôn nơi.