Hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm 2019 do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, trong ba ngày 21-22-23 tháng 5 năm 2019, Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người tổ chức chương trình khảo sát xây tặng mới nhà Chữ thập đỏ cho bà con nghèo huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, mảnh đất với những dấu ấn lịch sử và là vùng biên địa còn nhiều khó khăn được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.
Nói đến Trùng Khánh, Cao Bằng nhiều người thường nhớ đến thác Bản Giốc, kỳ quan thiên nhiên của Việt Nam nằm trên biên giới Việt-Trung, nơi hằng năm đón hàng nghìn du khách đến thăm quan, du lịch, và Ngườm Ngao (còn gọi là động Hổ), một hang động nằm cách thác Bản Giốc không xa.
Trùng Khánh có 1 thị trấn và 19 xã với ba dân tộc Tày, Nùng và Kinh sinh sống trong đó dân tộc Tày, Nùng chiếm đến 99%. Sở hữu phong cảnh tươi đẹp, hoang sơ, hùng vĩ mà bên cạnh thác Bản Giốc, động Ngao nói trên còn có thể kể đến hồ Bản Viết, sông Quây Sơn; những đặc sản nổi tiếng như hạt dẻ Trùng Khánh, gạo nếp Pì Pất; những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp và những làn điệu dân ca say đắm lòng người, nhưng do địa hình bị chia cắt, xa xôi, miền biên viễn của Tổ quốc Trùng Khánh vẫn là một trong những địa phương nghèo nhất của tỉnh Cao Bằng, với 34% hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo. Người dân Trùng Khánh vô vàn khó khăn vất vả, tuyệt đại đa số thu nhập chủ yếu trông chờ vào việc làm nương rẫy một vụ trong năm.

Lãnh đạo huyện Trùng Khánh đón tiếp và bàn bạc cùng đoàn Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người trước khi đoàn tỏa đi từng thôn xã khảo sát nhà.
Trong chương trình khảo sát nhà tại Trùng Khánh, Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người chia thành 12 đoàn đến thăm hỏi, động viên và xem xét xây tặng nhà mới cho 73 hộ dân nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Tuy phải di chuyển hơn 10 tiếng trên đường, vượt qua hàng trăm kilomet đèo dốc quanh co, nhưng đoàn Chi hội Tình Người ai nấy đều khỏe mạnh, hồi hộp háo hức mong đến thời khắc được gặp gỡ đồng bào, những bà con thôn bản bao đời chôn rau cắt rốn, gồng mình bám trụ sinh sống và bảo vệ từng tấc đất biên địa, với trách nhiệm cao cả giữ yên bờ cõi Tổ quốc để chúng ta được sống an vui hạnh phúc nơi thành phố phồn hoa.

Ông Trần Ngọc Việt - Phó Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người (áo xanh đầu bàn bên trái) cùng các lãnh đạo địa phương bàn bạc, trao đổi công việc.
Lần khảo sát xây tặng nhà lần này thật nhiều điều sâu thẳm ý nghĩa vô cùng, khó có thể tả xiết được bằng lời, chỉ có những ai may mắn được đến tận từng nhà dân thăm hỏi động viên mới cảm thấu được hoàn cảnh nghèo khổ cũng như tập quán lạc hậu ăn sâu vào tâm trí mỗi người dân nơi đây. Trong đoàn số 11 có mười hộ gia đình nghèo được tặng nhà thì cả mười hộ là dân tộc Nùng ngày đêm đã và đang sống trên nhà sàn, bên dưới là chuồng chăn nuôi gia súc gia cầm như trâu, bò, lợn, gà, vịt v.v. Khi được hỏi tại sao gia đình không di dời chuồng trại ra nơi khác để đảm bảo môi trường trong sạch tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, chị Nông Thị Huyền, xóm Bản Lung, xã Đoài Côn cho biết “Trâu, bò, lợn, gà… là cả một gia tài lớn của gia đình nên không yên tâm chuyển chúng đi nơi khác nớ, sống như này từ đời này sang đời khác đã hàng trăm năm nên quen rồi”.

Chị Nông Thị Huyền, xóm Bản Lung, xã Đoài Côn (chồng đã mất sớm) cùng 3 con gái nhỏ đón đoàn Tình Người trong ngôi nhà sàn xập xệ mà gia đình đang sinh sống.
Ngoài trồng ngô, lúa một vụ ra chẳng biết trồng gì nên người dân nơi đây có trồng cây thuốc lá để hút và để các thương lái xuất sang Trung Quốc, kiếm thêm chút tiền ít ỏi trang trải cho cuộc sống. Khi được hỏi cây thuốc lá có đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình không thì ông Triệu Văn Sài, xóm Tắp Ná, xã Đoài Côn trả lời: “Không ăn thua gì đâu. Cây thuốc lá lúc được giá lúc không, nên thu nhập bấp bênh lắm!”.

Ông Triệu Văn Sài, xóm Tắp Ná, xã Đoài Côn cùng hai con trai chưa vợ đứng trước ngôi nhà sàn cũ kỹ của mình.
Khi tiếp xúc với bà con nơi đây chúng tôi cũng bàng hoàng khi thấy hầu hết các bà con từng phải vượt biên trái phép sang bên kia biên giới để lao động làm thuê như trồng mía, chặt mía, hay đi phụ hồ… Âu cùng là cái đói cái nghèo đã dẫn mọi người đến con đường cùng, dường như không còn cách nào khác, vì miếng cơm manh áo nhất thời mà buộc phải làm như vậy.

Ông Phạm Văn Cao - Bí thư Huyện ủy huyện Trùng Khánh chia sẻ những khó khăn của huyện về chương trình di dời chuồng trại gia súc gia cầm, và tình trạng vượt biên của người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Cao - Bí thư Huyện ủy huyện Trùng Khánh bộc bạch: “Mặc dù huyện đã đưa chương trình di dời chuồng trại ra khỏi khu dân cư là một chương trình lớn của huyện, nhưng tính đến Quý I năm 2019 toàn huyện mới di dời được chuồng trại cho gần hai ngàn hộ trên tổng số bốn ngàn hộ”. Về chuyện người dân vượt biên sang Trung Quốc lao động, ông Cao cũng cho biết thêm: “Hiện tượng này cũng là một vấn nạn của những huyện có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc nói chung và của huyện Trùng Khánh có đường biên dài nói riêng. Công tác tuyên truyền đến từng thôn, xã đã được làm triệt để, nhưng thực tế do hoàn cảnh hết sức nghèo khó, nhà cửa tạm bợ, thu nhập bấp bênh nên tình trạng người dân vượt biên vẫn diễn ra”.

Ông Trần Ngọc Việt - Phó Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người (ngồi giữa bên trái) và Ông Phạm Văn Cao, Bí thư Huyện ủy huyện Trùng Khánh trong buổi tổng kết chương trình khảo sát tặng nhà tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng.
Tại buổi họp thông báo kết quả chuyến khảo sát xây tặng nhà mới cho bà con nghèo huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, ông Trần Ngọc Việt - Phó Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người cho hay: “Tổng danh sách khảo sát nhà lần này là 73 căn, thì có 69 căn nhà được quyết định xây tặng với mức kinh phí hơn 7,4 tỷ đồng, trong đó Chi hội Tình Người hỗ trợ gần 3 tỷ đồng; Mặt trận Tổ quốc huyện Trùng Khánh hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng; vận năng người thân, bà con hàng xóm láng giềng hỗ trợ 2,4 tỷ đồng, chưa kể tiền công xây và hoàn thiện ngôi nhà do bà con thôn xã giúp đỡ. Nhưng giá trị lớn lao hơn cả so với giá trị về vật chất, đó là 100% bà con nghèo được nhận nhà lần này đều cam kết di dời chuồng gia súc gia cầm ra khỏi nơi dân cư, và khi có nhà mới sẽ tập trung ở lại quê hương làm ăn phát triển kinh tế không vượt biên sang bên kia biên giới”.
Cảm động trước kết quả khảo sát nhà sẽ mang đến những khởi sắc bất tận cho đồng bào và cho địa phương, ông Phạm Văn Cao, Bí thư Huyện ủy huyện Trùng Khánh vui mừng chia sẻ: “Lãnh đạo huyện chúng tôi vô cùng xúc động, hết sức phấn khởi trước nghĩa cử cao đẹp của Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người. Đây là những món quà vô cùng ý nghĩa để đồng bào yên tâm sản xuất làm ăn và trên cơ sở đó sẽ góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc”.