Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới. Tuy nhiên, do những điều kiện địa lý, tự nhiên, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán nên đời sống bà con khu vực biên giới này vẫn còn nhiều khó khăn.
Xây dựng quê hương từ đổ nát hoang tàn
Cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 mãi khắc ghi vào lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc Việt Nam. Để bảo vệ từng tấc đất biên cương biết bao người dân, biết bao chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
“Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” (nhà thơ Nga Y.A Yevtushenko)
10 năm sau chiến tranh kết thúc, từ đổ nát hoang tàn, đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng nói riêng và vùng biên giới phía Bắc nói chung đã cùng chung sức, chung lòng bắt tay vào khôi phục cuộc sống mới, xây dựng và phát triển quê hương.

Cao Bằng hùng vĩ, tươi đẹp nhưng nhọc nhằn gian khó đón đoàn Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người.
Huyện Trùng Khánh nằm ở phía Đông, cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 60 km. Nơi đây, thiên nhiên hùng vỹ tươi đẹp cũng là nơi tọa lạc của thác Bản Giốc - thác nước tráng lệ nhất Đông Nam Á. Huyện Trùng Khánh, có 8 xã biên giới tiếp giáp Trung Quốc, với đường biên dài 66,5 km, cả huyện có tới 99% là đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống. Với vẻ đẹp thiên nhiên sẵn có và văn hóa mang bản sắc riêng, huyện Trùng Khánh có tiềm năng du lịch đang được chính quyền địa phương và người dân khai thác, phát huy. Để giảm dần các xã đặc biệt khó khăn và giảm số hộ nghèo, huyện đã đề ra các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới và phối hợp thực hiện các chương trình, dự án được Nhà nước đầu tư trên địa bàn huyện như: Chương trình 135; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất…, qua đó đã đem lại nhiều hiệu quả quan trọng. Đến nay, toàn huyện có 150 xóm có đường bê tông, 100% xã có điện lưới, 98% hộ dân có điện sử dụng; 91% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh; các công trình thủy lợi được đẩy mạnh đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây mới.

Một căn nhà sàn xập xệ dột nát của bà con nghèo.

Đoàn Tình Người trước trụ sở cũng cũ kỹ lên màu thời gian và xuống cấp của HĐND-UBND xã Đoài Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Mặc dù địa phương có nhiều nỗ lực đưa đời sống của bà con ngày càng cải thiện nhưng hiện nay tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện là trên 10%, hơn 100 hộ vẫn đang phải sống trong nhà tạm bợ, dột nát.
Thực hiện di nguyện của Người
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, “sau khi kháng chiến thắng lợi, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước; Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân”. Thực hiện di nguyện của Người, hơn 40 thành viên của Chi hội Tán trợ CTĐ Tình Người đại diện cho hơn 3000 thành viên trên khắp cả nước đã hội tụ về Trùng Khánh, Cao Bằng cùng chung tay với chính quyền địa phương để khảo sát, hỗ trợ xây dựng nhà mới cho bà con.
Về miền đất địa đầu Tổ quốc, nơi đầu tiên đón Bác Hồ về nước và được Bác chọn để hoạt động, xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, anh Trần Ngọc Việt Phó Chi hội trưởng Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người cũng như các thành viên trong đoàn đều cảm thấy tự hào và luôn khắc ghi lời dạy của Bác: “Bác Hồ đã nói, ‘Đất nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi’. Chúng tôi đi khảo sát không đơn thuần là thực hiện công tác nhân đạo mà với tinh thần báo ơn, báo hiếu cho nhân dân, những con người ngày đêm bảo vệ Tổ quốc”.

Thành viên Chi hội Tình Người đồng duyên, đồng tâm, đồng chí hướng trong chuyến khảo sát nhà Trùng Khánh, Cao Bằng.
Các thành viên tham gia khảo sát nhà tuy mỗi người một ngành, một nghề khác nhau thuộc nhiều thành phần trong xã hội như doanh nhân, bác sỹ, giảng viên đại học, giáo viên mầm non, cán bộ công tác trong các lực lượng vũ trang…, nhưng từ khi được tham gia các khóa chia sẻ giá trị trí tuệ về nhân đạo tại Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người, từng thành viên đều chung đường chung đích, thấu hiểu giá trị cống hiến “cho đi là còn mãi”. Bởi vậy, đoàn khảo sát đến với bà con bằng tất cả tấm lòng nhiệt huyết và tình yêu thương, như những người thân đi xa quê lâu ngày mới có dịp trở lại.

Ấm áp nghĩa tình như những người con xa quê lâu ngày về gặp lại.
Do địa hình đồi núi chia cắt nên nhiều nơi đoàn phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới tới được địa chỉ khảo sát. Có đi thì mọi người mới thấu hiểu cuộc sống vất vả của bà con “quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nơi miền biên thuỳ này. Cũng bởi cái nghèo đeo bám mà không ít người đã bất chấp nguy hiểm sang bên kia biên giới lao động trái phép với mong muốn kiếm thêm thu nhập để phụ giúp gia đình. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, đoàn khảo sát không chỉ chia sẻ về vật chất để bà con xây dựng nhà mới mà còn tuyên truyền, vận động bà con bám đất, bám bản làm ăn trên chính mảnh đất quê hương mình.

Bà con mình còn vô cùng vất vả, khó khăn, sống trong những căn nhà sàn mà gầm nhà là nơi để củi, đồ lặt vặt, nuôi nhốt gia súc...

...và không gian sinh hoạt trong nhà thì dột nát tạm bợ.
Trong quá trình đi khảo sát, các thành viên trong đoàn còn nhận thấy các hộ gia đình vẫn bị ảnh hưởng của các tập tục lạc hậu, ăn sâu vào trong tiềm thức bao đời nay. Sống ở nhà sàn, nhiều hộ ở đây thường nuôi nhốt vật nuôi dưới gầm sàn. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong những năm qua, mặc dù chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con hướng đến một cuộc sống trong lành hơn song đến nay, toàn huyện Trùng Khánh vẫn còn trên 2000 hộ nuôi nhốt trâu, bò dưới gầm sàn nhà. Để thuyết phục bà con theo lối sống mới, chị Ngô Thuần Oanh, tình nguyện viên của Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người cho biết “Ngày hôm nay về đây khảo sát 10 nhà. Đoàn Tình người đều vận động bà con để xây dựng nhà theo nếp sống văn hóa mới là xây nhà để ở và di dời toàn bộ chuồng trại ra xa nhà ở. Bà con đều hoan hỉ và đồng ý”.
Góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc
“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thấm nhuần lời dạy của Bác, công tác dân vận trong hoạt động nhân đạo của Chi hội Chữ thập đỏ Tình Người đã và đang là cầu nối gắn kết cộng đồng. Các thành viên đã khơi lên sự sẻ chia, chung tay giúp đỡ của anh em, họ hàng, của tình làng nghĩa xóm đối với những hộ còn khó khăn về nhà ở. Tất cả người dân tại các thôn bản có nhà dột nát đều đồng lòng góp công xây dựng nhà, đồng thời tự nguyện đóng góp tổng số tiền lên đến 2 tỷ đồng giúp bà con nghèo dựng căn nhà mới.
Bằng sự vận năng và sự cộng hưởng của Chi hội Tình Người, lãnh đạo và người dân huyện Trùng Khánh, tới đây 69 căn nhà Chữ thập đỏ sẽ được xây dựng với tổng kinh phí trên 7 tỉ đồng. Chẳng bao lâu nữa, những căn nhà cũ nát sẽ được thay thế bằng căn nhà khang trang, giúp Trùng Khánh về cơ bản xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát, tạo nên một diện mạo mới trên vùng đất địa đầu của Tổ quốc.

Niềm vui sướng dâng tràn khi các hộ gia đình đón quyết định hỗ trợ xây nhà Chữ thập đỏ từ đại diện Chi hội Tình Người.
Chị Lương Thị Phòng, xóm Lũng Hoạt, xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng rơi nước mắt trong niềm sung sướng: “Nhà tôi đã làm 60 năm nay rồi, do điều kiện khó khăn không thể sửa chữa được, lúc trời mưa dột xuống mấy mẹ con ở lo lắng. Hôm nay được các anh chị dến giúp đỡ làm nhà thì tôi cảm ơn lắm!”. Còn chị Nông Thị Trường - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cảm động trước tấm lòng vì dân của các cộng tác viên, thành viên của Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người, chia sẻ: “Mặc dù sống ở đô thị sầm uất nhưng đến với Cao Bằng, các anh chị không hề nao núng, không hề thấy khó khăn vất vả mà làm việc với tấm lòng vì dân. Chúng tôi rất muốn học việc làm đó của các anh chị, chúng tôi sẽ quan tâm đến bà con nhiều hơn!”.

Những nụ cười hân hoan rạng rỡ...

...và những dòng lệ rưng rưng, tất cả như ngân lên từng cung bậc của hạnh phúc.
Biên giới là “phên dậu, bờ cõi” quốc gia, là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, được cha ông ta dày công gây dựng, gìn giữ từ hàng ngàn đời nay. Bởi vậy, mỗi người dân sinh sống trên mảnh đất này chính là những “cột mốc sống” ngày đêm gìn giữ từng tấc đất quê hương. Khoác trên mình màu áo đỏ với tâm sáng ngời, những con người làm công tác nhân đạo hôm nay không chỉ thực hiện sứ mệnh kết nối, sẻ chia và lan tỏa yêu thương với bà con vùng biên mà còn chung tay xây dựng mảnh đất này ngày càng giàu đẹp, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.
_________
* Vui lòng nhấn link xem thêm ảnh khảo sát nhà Trùng Khánh, Cao Bằng: [Ngày đầu tiên], [Ngày thứ hai]