Ngày 19/11/2018, theo chân đoàn Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người đại diện là chị Hoàng Lan - Trưởng đoàn đi khảo sát, xét nhà để hỗ trợ kinh phí xây dựng 13 căn nhà mới cho các hộ nghèo tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, chúng tôi không thể không cảm động trước những hy sinh thầm lặng, cao thượng của bà con vùng núi Sông Đà để thắp lên ánh sáng cho những thành phố phồn hoa, những công trình xây dựng và những công xưởng hoạt động.

Chị Hoàng Lan – Trưởng đoàn cùng anh chị em Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người gặp anh Nguyễn Thế Dũng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hòa Bình trước khi tỏa đi các nhà dân.
Vào năm 1979 khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được triển khai, các hộ dân ở lòng hồ thủy điện phải sơ tán về khu tái định cư hoặc di dời lên ngang chừng núi. Để có dòng điện cho chúng ta sinh hoạt hàng ngày, biết bao người dân không những phải di dời nhà cửa, đất đai, mồ mả bao đời mà phải dời đi cả những ước mơ hoài bão.
Lên núi cao rồi đâu đã được yên. Bà con vẫn thường xuyên chịu đựng những trận lở đất, những đợt lốc xoáy mất trắng nhà cửa, tài sản, hoa màu, vườn tược. Các xóm làng cách nhau hàng chục cây số, xóm này qua xóm nọ có khi đi mất vài tiếng đồng hồ. Bao nhiêu khó khăn vất vả nhọc nhằn của cuộc sống thường nhật, họ vẫn luôn tự hào vì đã hiến đất, hiến rừng để góp phần quan trọng trong việc kiến tạo nguồn điện năng cho sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước. Nhưng ít ai biết được đức hy sinh cao đẹp trong những con người quả cảm bất tử ấy như thế nào.
Nụ cười trên môi chị Nguyễn Thị Mạnh (xóm Tháu, xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình) khi được đoàn Tình Người trao cơ hội làm nhà mới lần này.
Tiếp xúc với Chị Nguyễn Thị Mạnh (xóm Tháu, xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình) chúng tôi mới thấm thía những hy sinh cao cả của chị. Nhà cửa không có, người khô héo, chị nghẹn ngào không còn chút nước mắt trước biển hồ mênh mông. Khi được đại diện Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người quyết định tặng nhà, hai tay chắp trước ngực, chị như vỡ òa trong niềm vui vô ngần: “tôi sướng quá các cô các chú ơi!”. Mảnh đất cheo leo sườn núi không thuận tiện cho việc đi lại khi tuổi già, chị Tuyến - trưởng xóm động viên chị xuống bãi bằng chân núi ở để bà con chòm xóm tiện thăm nom nhau. Suy nghĩ hồi lâu chị tâm sự: “Tôi ở chỗ đất nhỏ này cạnh trại bò mà chú Thống tặng tôi cũng được vì nếu chuyển xuống dưới tuy thuận tiện đấy nhưng người ta lại nghĩ tôi tham, phần đất ấy để dành cho người khác!”. Cả đoàn lặng người trước trái tim nhân hậu đến nhường nào của chị, chỉ một chút riêng tư cho mình cũng không màng đến.
Anh Nguyễn Văn Dinh (xóm Bích Trụ, xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình) hân hoan khôn siết khi được đại diện Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người quyết định tặng nhà.
Đến nhà anh Nguyễn Văn Dinh (xóm Bích Trụ, xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình), chúng tôi cũng sững sờ không kém khi nhìn thấy căn nhà sàn cũ kỹ ọp ẹp, chỉ cơn giông nhỏ rất có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Chủ nhà ra chào đón chúng tôi lên nhà nhưng không quên nhắc khéo: “Các anh các chị đi nhẹ chân giúp nhé!”. Quả thật chúng tôi rất lo sợ nhà sập, nên chỉ một số đại diện lên nhà làm việc. Tâm sự với chúng tôi, anh Dinh chia sẻ: “Khi cơn lũ lịch sử 1983 - 1984 nhà cửa bị cuốn trôi sạch, tài sản nhà cửa chìm hết xuống sông, may chỉ vớt được tấm ảnh Bác Hồ là vật còn sót lại là gia sản quý giá nhất của gia đình chúng tôi!”. Vì mất sức lao động lại thuộc diện hộ nghèo khó nên anh Dinh được anh Nguyễn Văn Bốn đại diện cho đoàn Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người quyết định xây căn nhà mới cho gia đình anh. Khi được hỏi: “Anh sẽ làm nhà bao nhiêu m2 khi nhận được số tiền hơn 158 triệu đồng mà Chi hội Tình người, cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hòa Bình cùng bà con chòm xóm hỗ trợ?”. Anh Dinh nói: “Tôi chỉ làm nhà 50 m2 thôi, số tiền còn lại làm sổ tiết kiệm phòng khi ốm đau hay gặp bất trắc!”.
Chị Bùi Thị Vân (xóm Tiểu khu, xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình) nhận quyết định tặng nhà mới mà nghẹn ngào không nói lên lời.
Xúc động vô cùng khi được biết chị Bùi Thị Vân, một hộ nghèo ngỡ như không thể nghèo hơn ở thành phố Hòa Bình. Chồng mất, rồi con trai thứ hai chết đuối, chị sống cùng con trai đầu nhưng em không được bình thường. Chị phải làm lụng hết việc này việc khác mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Khuôn mặt khắc khổ, chị chẳng nói chẳng rằng. Nỗi đau mất chồng mất con neo đuổi trong chị hàng chục năm trời khiến trên đôi môi héo hắt của chị mất đi nụ cười khi nào không hay. Khơi gợi mãi cho đến khi cả đoàn hát vang bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” thì khuôn mặt chị mới bắt đầu có chút lay chuyển. Từ sâu thẳm ký ức tràn về chị tâm sự: “Những năm khó khăn, gia đình phải di chuyển ra khỏi lòng hồ lên đây để nhường diện tích cho thủy điện. Lúc đó ở đây cũng rất hoang hóa!”. Cả đoàn chúng tôi lặng người khi nghe chị kể “Lúc đó nghe nhà nước cần diện tích đất để làm trường học, tôi bàn với chồng tôi cùng anh trai chồng là ông Nguyễn Văn Lương đã hiến tặng 3.000 m2 đất bằng phẳng nhất cho nhà trường để các cháu có nơi ăn học thuận tiện, còn chúng tôi thì leo lên khu đất này”. Ngôi trường nằm ngay mặt đường lớn, hôm nay cũng là ngày nhà trường làm lễ đón nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Thiết nghĩ, dưới mái trường này đã bao nhiêu thế hệ học sinh trưởng thành, tỏa đi muôn phương, trong đó nhiều người đã thành đạt, giầu có. Nhưng có mấy ai biết đến một con người có đức hy sinh cao cả cho thế hệ trẻ, cho quê hương đất nước nhường ấy vẫn ngày đêm âm thầm sống trong một cái gọi là “nhà” mà bên trong không có nổi một vật gì có giá.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Thái Thịnh vừa được công nhận trường Chuẩn Quốc gia là nơi gia đình chị Bùi Thị Vân hiến tặng đất.
Qua chuyến đi khảo sát xét tặng nhà này, quả thật có những cung bậc cảm xúc của hàng chục hội viên Chi hội Tình Người chúng tôi thật khó diễn tả nên lời. Sung sướng vô cùng vì giờ đây bà con nghèo vùng sông núi Hòa Bình sẽ được về ở căn nhà mới khi mùa xuân sắp đến gần, nhưng cũng là chuyến đi để lại nhiều dấu ấn trầm lặng thấm thía về những hy sinh cao cả, về những trái tim nhân hậu, những tấm lòng quả cảm của bà con nơi miền sông núi gian khó. Tất cả cùng thắp lên "ngọn lửa của Tình người lan tỏa đi muôn phương, đến nơi nào nơi ấy rực sáng" đúng như lời chia sẻ của anh Nguyễn Thế Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình đầy tâm huyết thay cho lời kết.