13/11/2016
Những khoảnh khắc không thể nào quên
Trong thời khắc đau thương của đồng bào miền Trung khi phải trải qua cơn lũ lịch sử, người dân cả nước không khỏi xót xa, ai cũng mong được thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách hướng về khúc ruột miền Trung yêu dấu. Với khát vọng cháy bỏng vì cộng đồng, đoàn Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người đã thể hiện sức mạnh nhân đạo, kịp thời cứu trợ bão lũ cho người dân miền Trung trong những hoạt động đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Miền Trung cỗi căn sỏi đá, quanh năm hết đời nay sang đời khác liên miên gánh chịu thiên tai như bão tố, lũ lụt, hạn hán. Sự cần cù, lam lũ, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây có những thời điểm dường như chưa đủ chống lại và chiến thắng được sức tàn phá của thiên nhiên. Bởi thế, đâu đó trên dải đất miền Trung nắng gió, bão bùng, vẫn còn rất nhiều địa phương, nhiều mảnh đời bất hạnh, khốn cùng.
 
Còn nhớ, cách đây chưa lâu trận lũ lịch sử năm 2010 đã tàn phá nặng nề các tỉnh khu vực miền Trung. Khi người dân vừa vực dậy sau lũ thì tiếp đó, cơn bão số 10 năm 2013 càn quét lại khiến bà con nơi đây lao đao, khốn đốn.
 
Những ngày qua cơn “đại hồng thủy” lại ập tới với sức tàn phá khủng khiếp, nhấn chìm miền Trung trong biển nước. Hậu quả của trận lũ lụt gây ra thật nặng nề, hàng nghìn em nhỏ không được tới trường; nhiều gia đình rơi vào cảnh cùng cực, mất người thân, thiếu lương thực, thiếu nước và không còn mái ấm để che mưa, che nắng…
 
Mặc dù chuyến cứu trợ của đoàn đã trôi qua hơn nửa tháng nhưng trong tôi cũng như các hội viên, tình nguyện viên Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tinh Người trong chuyến đi ấy vẫn lắng đọng những khoảnh khắc không thể nào quên…
 
Đoàn chúng tôi có mặt tại Quảng Bình vào lúc 5 giờ sáng ngày 26/10 để chuẩn bị cho chuyến công tác từ thiện cứu trợ người dân vùng tâm bão. Hôm nay miền Trung trời đã hết mưa, nước đã rút, đường sá đi lại dễ dàng hơn, nhưng những làng mạc nơi lũ đi qua vẫn xác xơ, tiêu điều. Cơn lũ dữ khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây vốn đã khổ nay càng khổ thêm. Lại thêm một lần người miền Trung trắng tay sau lũ.
 
 
Chúng tôi đã chia các nhóm nhỏ để đến chia sẻ, thăm hỏi, động viên và trao quà cho từng gia đình bị bão lũ. Hơn 1.126 suất quà đến tận nơi trao tận tay cho 1.126 hộ gia đình. Chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến hàng nghìn hoàn cảnh sống thương tâm khác nhau. Đã có bao nhiêu ngôi nhà hư hỏng, bao nhiêu diện tích cây trồng bị thối rữa, bao nhiêu vật nuôi bị nước cuốn trôi và bao nhiêu người dân miền Trung đã chết vì lũ lụt, con số chính xác khó có thể thống kê. Chỉ biết rằng chỉ vì những trận lũ lụt kinh hoàng cuốn trôi tất cả mà rất nhiều người miền Trung rồi đây sẽ buộc phải xa xứ mưu sinh. Chính vì vậy mà trong những ngày này, một câu hỏi như xoáy vào tim óc của những người con miền Trung xa xứ, rằng sau cơn lũ này sẽ có thêm bao nhiêu gia đình phải rời quê hương bản quán? Nhà cửa thì tiêu điều xơ xác vì bị lũ tàn phá, trong nhà tìm mãi cũng ra đồ vật gì có giá trị, mà có lẽ cũng không có để mà tìm bởi ngoài 4 bức tường được đóng bằng ván gỗ lệch lạc, nền nhà bằng đất ẩm thấp, thậm chí nhiều gia đình còn không có giường để ngủ, phải sống cảnh màn trời chiếu đất.
 
 
 
 
Không những nghèo xơ xác mà nhiều người còn phải chống chọi với bệnh tật, ốm đau quanh năm suốt tháng… Có lẽ người dân nơi đây đã phải chịu đựng quá nhiều cảnh lam lũ, thiệt thòi, quá nhiều đau thương, mất mát nên nhìn trên khuôn mặt họ ai cũng khắc khổ vô cùng. Trong từng ánh mắt người dân không thấy ai có thể thắp sáng lên được niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp, họ sống như chỉ để qua ngày… Thật sự, đi mỗi gia đình là mỗi hoàn cảnh, mỗi câu chuyện thương tâm khác nhau, có quá nhiều chuyện mà tôi không thể kể hết ở đây được.
 
 
 
 
“Miền Trung nơi ngập tràn trong nước mắt.
Khúc ruột đau, thương lắm Việt Nam ơi!”
 
Giờ đây, cả nước đang hướng về miền Trung thân yêu, để sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh. Bên cạnh sự quan tâm, chung sức của đồng bào cả nước thì quan trọng hơn, việc làm của lãnh đạo khiến người dân ở vùng bão lũ vững tin hơn bởi họ biết rằng mình không đơn độc. Đằng sau họ là Đảng, là Chính phủ, là những tấm lòng chan chứa tình người.
 
Đặc biệt, khi đoàn Chữ thập đỏ Tình Người chúng tôi khi đến với từng thôn làng, từng gia đình để thăm hỏi, trao những suất quà bằng tiền mặt, giá trị vật chất tuy nhỏ nhưng tình cảm chân thành sâu sắc, sự quan tâm của mỗi hội viên lan tỏa được hơi ấm của Tình Người đã chạm vào được trái tim của mỗi người dân. Chúng tôi đều cảm nhận được niềm vui sướng, hoan hỷ như thắp lên một tia sáng hy vọng trong lòng người dân nơi đây để họ có động lực tin vào một cuộc sống mới.
 
 
Chắc chắn với truyền thống kiên cường, bền bỉ, cùng với sự chia sẻ của cả nước, người dân miền Trung sẽ từng bước khắc phục hậu quả của thiên tai, ổn định cuộc sống, không còn gia đình nào vì khó khăn do lũ gây ra mà phải bỏ xứ đi xa và mảnh đất miền Trung sẽ lại sớm hồi sinh.

23/07/2019 Sắc đỏ Tình Người hòa cùng màu xanh áo lính tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang, Bắc Giang Ngày 27/7 hằng năm là dịp để mỗi người con đất Việt tri ân tới các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh, những người đã hy sinh một phần xương máu trên chiến trường để bảo vệ sự bình yên của quê hương, đất nước. Nói về ý nghĩa của ngày 27/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn: "Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.

Xem tiếp

23/07/2019 Các hội viên, tình nguyện viên Tình Người hát chúc mừng các thương bệnh binh. Ông Nguyễn Vinh Hiển - Trưởng ban truyền thông và Phát triển nguồn lực, đại diện Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người trao biển tượng trưng tặng quà tri ân 27/7 cho các thương bệnh binh & Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Xem tiếp

08/11/2019 Niềm hạnh phúc của đoàn đại diện Tình Người khi được về với bà con huyện Phù Cừ Đại diện Tình Người cùng lãnh đạo địa phương trao nhà cho vợ chồng ông Bùi Xuân Thực Phù Cừ là một trong những huyện nghèo của tỉnh Hưng Yên. Kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp.

Xem tiếp

02/08/2019 Chiều 2/8/2019, đoàn Câu lạc bộ Tình Người, do ông Mai Văn Quý, Ủy viên Ban chấp hành Câu lạc bộ Tình Người làm trưởng đoàn đã vào Bệnh viện E (Hà Nội) để thăm hỏi, xem xét hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim cho bệnh nhân Ma Khai Hoa, dân tộc Mông ở xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, Hà Giang. Ông Mai Văn Quý  (hàng đầu, bên trái) và đoàn Câu lạc bộ Tình Người làm việc với đại diện Bệnh viện E thảo luận phương án hỗ trợ bệnh nhân Ma Khai Hoa  Mới 29 tuổi, nhưng Hoa đã có 3 con.

Xem tiếp