Ngày 10/07/2019, gần 130 thành viên của Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người về với mảnh đất lịch sử Can Lộc, Hà Tĩnh để khảo sát xây nhà chữ thập đỏ cho bà con nghèo.

Khoảng trời xanh ngút ngàn trước Trung tâm hành chính huyện Can Lộc, nơi ghi dấu cuộc đấu tranh của nhân dân Can Lộc, Hà Tĩnh trong cuộc đấu tranh giữ nước, đặc biệt là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Ngày 10/07/2019, trụ sở UBND huyện Can Lộc là nơi chào đón đoàn khảo sát nhà Chữ thập đỏ của Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người đến với huyện Can Lộc.

Hàng trăm màu áo đỏ của các hội viên, tình nguyện viên, cộng tác viên của Chi hội Chữ thập đỏ Tình Người đã tập trung trước hội trường để chuẩn bị cho một ngày vô cùng đặc biệt.

Hơn 130 gương mặt với nụ cười rạng rỡ của Tình Người đã hâm nóng bầu không khí hội trường nơi đây.

Các bài hát truyền thống được cất lên tạo lên một bầu không khí nhiệt huyết đậm chất Tình Người.

Ông Võ Hữu Hào, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc chào mừng sự có mặt của Tình Người và ghi nhận những giá trị nhân văn trong các hoạt động nhân đạo của Tình Người tại đây.

Ông Trần Ngọc Việt, đại diện cho Tình Người giới thiệu về các kết quả và ý nghĩa hoạt động của Chi hội trong những năm qua.

Dòng người áo đỏ chia làm 11 đoàn khảo sát toả ra khắp các nẻo đường của huyện Can Lộc để đến với người nghèo đang mong chờ có được căn nhà mới.

Đoàn số 1 do ông Trần Ngọc Việt dẫn đầu, đến với các xã Tùng Lộc, Thiên Lộc, Vượng Lộc để khảo sát thực tế 5 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Những khung cảnh thanh bình của một miền quê thuần nông với nhiều truyền thống lịch sử.

Căn nhà nhỏ của chị Trần Thị Lan (45 tuổi) – người phụ nữ độc thân sống cùng mẹ già 81 tuổi – với 55 năm tuổi Đảng.

Một cánh chim câu cũng đến chung vui trên mái nhà cũ rêu phong của bà Lan.

“Hôm nay đông người đến thăm nhà mình như thế này cụ có vui không?” – Ông Việt hỏi.
“Hôm nay thấy nhiều người mà nom ai cũng xinh đẹp đến chơi nhà nên tôi vui lắm” – Cụ già mừng vui chia sẻ với ông Trần Ngọc Việt.

Căn nhà xuống cấp với mối mọt và dột nát, không còn an toàn cho hai mẹ con những ngày mưa bão khắc nghiệt của miền Trung.

Niềm vui không giấu nổi trên khuôn mặt của chị Trần Thị Lan khi biết rằng mình sắp có nhà mới.

Các thành viên của Tình Người chia sẻ niềm vui và lòng biết ơn với những sự hy sinh của người Đảng viên già cho thế hệ ngày hôm nay.

Đoàn Tình Người trao biên bản khảo sát và quyết định xây nhà cho mẹ con chị Trần Thị Lan trước sự chứng kiến của anh em họ hàng, xóm làng và lãnh đạo địa phương.

Dù đoàn xe đã chuẩn bị lăn bánh, cụ già vẫn chầm chậm bước theo ra đến tận ngõ để vẫy chào đoàn Tình Người và hẹn ngày gặp lại.

Căn nhà tiếp theo đoàn khảo sát ghé thăm, chỉ rộng vỏn vẹn có 9m2, là nhà của bà Lê Thị Tam (68 tuổi), sống độc thân trong căn nhà nhỏ với bệnh tật triền miên.

“Nhà ni mà đến bựa lụt thì ngập đến nửa nhà, phải chạy đi trú nhờ sang nhà khác” – bà chia sẻ với đoàn Tình Người về cuộc sống khó khăn trong căn nhà chật hẹp.

Căn nhà chỉ rộng có 9m2, nhưng vẫn dành một góc giữa nhà trang trọng nhất để thờ Bác Hồ trong suốt 34 năm qua.


Ông Trần Ngọc Việt ký quyết định tăng kinh phí hỗ trợ để bà Tam có thể xây dựng được một căn nhà mới trong thời gian sớm nhất có thể.

Đoàn Tình Người trao biên bản khảo sát và quyết định xây nhà cho bà Lê Thị Tam.

Bên trong căn nhà cấp 4 xuống cấp trầm trọng của ông Trần Văn Tưởng (45 tuổi) bị thần kinh nhẹ sống cùng vợ, tuy lấy nhau đã lâu nhưng vẫn chưa có con cái.

Ông Tưởng xúc động lau nước mắt khi nghe vợ chia sẻ với đoàn khảo sát về hoàn cảnh của gia đình mình

Ông Tưởng ký vào biên bản khảo sát trong căn nhà lúc nào cũng tối như hũ nút.


Căn nhà cuối cùng đoàn khảo sát nằm sát quốc lộ 1A của ông Hoàng Hữu Trí (74 tuổi), là thương binh trong chiến trường Quảng Trị.

Vết thương ở chân và mắt vẫn luôn khiến cho ông đau nhức và ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày, nhưng nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi người lính già.

Hai vợ chồng ông sống trong căn nhà cấp 4 xuống cấp với một số vật dụng đơn sơ.

Ông Trần Ngọc Việt đứng trước những tấm bằng khen và huân chương kháng chiến được đặt ở một góc trang trọng trong nhà của ông Hoàng Hữu Trí.

Sự xúc động của người vợ của ông Trí và hai con dâu khi biết đoàn quyết định xây nhà mới cùng với một khoản kinh phí hỗ trợ cao hơn ban đầu.

Các thành viên đoàn khảo sát Tình Người trao biên bản khảo sát và quyết định xây nhà cho ông Hoàng Hữu Trí.

“Bố con cũng là lính chiến trường Quảng Trị như bác, nên khi gặp bác con cũng thấy như được gặp bố con” - Những phút giây bịn rịn lúc chia tay của chị Nguyễn Thạch Anh và ông Hoàng Hữu Trí.

Đoàn khảo sát số 1 lên đường trở về sau chuyến khảo sát đầy cảm xúc ở ba xã thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, ai cũng hân hoan vì đã một phần nào đó đã được báo ơn cho mảnh đất anh hùng trong lịch sử giữ nước. Ký ức về những con người miền Trung đậm nghĩa đậm tình đã được ghi lại trong tim sẽ mãi không phai mờ.