Cao Lộc, Lạng Sơn ngày 21-6-2019, lần đầu tiên đoàn Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người về hội tụ, trong sự kiện lịch sử khảo sát xây dựng mới nhà Chữ thập đỏ dành tặng bà con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 5 xã biên giới trên địa bàn huyện.
Những “cột mốc sống” chủ quyền trong trường kỳ lịch sử
Trong lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc, Cao Lộc, Lạng Sơn luôn là vị trí chiến lược chủ yếu, là trọng điểm phòng thủ cửa ngõ châu thổ sông Hồng. "Đi Lạng Sơn đều phải qua Cao Lộc, mọi cuộc chiến tranh đều bắt đầu từ Cao Lộc", ông Nguyễn Duy Anh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cao Lộc chia sẻ. Cao Lộc chiếm 70 km trên tổng số 231 km biên giới với Trung Quốc của tỉnh Lạng Sơn và có hai cửa khẩu quan trọng Hữu Nghị, Tân Thanh, 4 đồn biên phòng. Toàn huyện diện tích 619,28 km2 với 21 xã, 2 thị trấn, trong đó có tới hơn 80% địa hình đồi núi. Đặc biệt các xã biên giới với trập trùng núi giăng thành đã giữ vai trò trọng yếu chở che, bảo vệ đất nước.

Đoàn Tình Người quy tụ lúc 3g30' sáng ngày 21-6-2019...

...và các trưởng đoàn Tình Người họp phân công nhiệm vụ trước khi đoàn rời Hà Nội, vào lúc 3g45'.
Nhưng lũy thành thiên nhiên dù hiểm trở đến đâu cũng không bền chắc bằng thành lũy của lòng dân. Từng thôn bản, từng hộ gia đình, từng người dân Cao Lộc suốt trường kỳ lịch sử ngàn năm đã luôn là những “cột mốc sống” chủ quyền ngăn bước tiến của quân xâm lăng.
Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ, di tích lịch sử và văn hóa kết tụ đậm đặc, lòng người hào sảng và thắm thiết nghĩa tình, nhưng Cao Lộc ngày hôm nay 80% nhân dân làm nông nghiệp; hộ nghèo, hộ hết sức khó khăn vẫn chiếm tới 20%, rất cần những bàn tay sẻ chia, chung sức chung lòng từ cộng đồng.
Tình người thắm miền quan san biên tái
Ngày hôm nay đoàn Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người với 75 anh chị em đến từ ba miền Bắc - Trung - Nam hướng về Cao Lộc, trong nỗ lực khảo sát xây mới nhà Chữ thập đỏ dành tặng bà con nghèo trên địa bàn 5 xã vùng biên của huyện là xã Mẫu Sơn, Cao Lâu, Xuất Lễ, Thanh Lòa và Bảo Lâm.
Tại các xã nói trên, chính sách ưu tiên an ninh quốc phòng và sinh kế người dân vùng sâu vùng xa của Đảng và Nhà nước đã giúp xây dựng hầu hết các cung đường đến được trung tâm xã, nhưng đường đến từng nhà dân trên địa bàn vẫn vô cùng gian nan. Đoàn Tình Người chia 10 đoàn nhỏ, sử dụng các xe 7 chỗ dã chiến để cơ động, mỗi đoàn tổ chức chỉ 6-7 anh chị em, cho thấy mức độ đặc biệt khó khăn để có thể đến được địa điểm khảo sát.

Quang cảnh Hội trường Ủy ban Nhân dân huyện Cao Lộc đón Tình Người vào lúc 7g sáng cùng ngày, trước khi Tình Người chia các đoàn tỏa đi từng nhà dân.
Nhưng thực tế còn gian khó bội phần, nhiều cung đường mòn, đường lầy lội, xe gầm cao cũng không vào được và đoàn xuống xe tự lực vượt núi, băng đèo, leo dốc, lội suối. Có những địa điểm đá dựng lởm chởm, người leo trên bước chân như trèo lên mặt người bên dưới. Điển hình như tại xã Mẫu Sơn, Tình Người tổ chức đến 4 đoàn, có đoàn chỉ khảo sát được 3 nhà đã hết trọn một ngày.

Màu áo đỏ Tình Người trên thăm thẳm xanh của núi rừng trời đất biên cương, trong hành trình về với bà con mình.
Có tình người là có sự hồi sinh. Có tình người là mọi khó khăn đều vượt qua. Những địa danh thôn bản biên giới tuyệt đại đa số đồng bào thiểu số như Khuổi Đeng, Bản Pìang, Pò Nhùng, Nà Thôn, Bản Rằn, Pá Cuồng, Còn Nàn, Khuổi Tát, Nà Làng, Bản Lòa, Co Khuất, Cốc Tào… nghe vừa lạ lẫm vừa thân thương, hôm nay đón bước chân của Tình Người lần đầu tiên.
Và nơi đó, những căn nhà tường đất xập xệ hay liếp tre sơ sài, nền đất, mái lợp tranh hay lợp tấm xi măng nứt vỡ cũ kỹ của đồng bào, ngày hôm nay "chật nhà nhưng rộng bụng", cũng đón đoàn Tình Người lần đầu tiên ghé thăm, để từng ngõ ngách lên màu thời gian trong từng căn nhà trở nên bừng thắm màu áo đỏ và nhiệt huyết Tình Người.
Những gia cảnh xót xa dưới chân dãy Mẫu Sơn
Nhân duyên đưa chúng tôi, một trong 10 đoàn Tình Người, về với xã Xuất Lễ khảo sát 7 hộ gia đình. Đây là xã cuối cùng, xã xa nhất huyện Cao Lộc, cũng là nơi xuất phát của dãy núi Cha, núi Mẹ (Mẫu Sơn). Xã đặc biệt khó khăn, “chủ yếu là nông nghiệp, rét, lúa không tốt như dưới xuôi”, như lời chia sẻ chân chất của ông Lương Văn Mai - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã với đoàn.
Xuất Lễ là nơi chôn rau cắt rốn rốn bao đời của các sắc dân thiểu số Tày, Nùng. Gọi là thiểu số so với cả nước nhưng nơi đây đồng bào dân tộc chiếm tuyệt đại đa số, trong đó người Tày 53%, người Nùng 46%, người Kinh chỉ có 1%. Giao tiếp của chúng tôi ngày hôm nay đa phần nhờ phiên dịch. Khi đoàn Tình Người cần sử dụng máy vi tính để in biên bản thì cả xã chỉ một đồng chí biết đánh máy. Nhưng rào cản ngôn ngữ không ngăn được tiếng lòng đồng vọng, từ trái tim đến trái tim. Vả chăng nhân đạo vẫn luôn là điểm tựa cho mọi người dân, bình đẳng và trung lập không phân biệt giới tính, tôn giáo, dân tộc.

Những cung đường lầy lội, sụt lở, xe hầu như không thể vào được tại xã Xuất Lễ.
Xuất Lễ quá nghèo, không có nguồn thu, không hỗ trợ bà con được về tài chính, nhưng góp công, và chỉ có thể góp công vận chuyển vật liệu vốn sẽ ngốn nhiều công sức nhất. "Chỉ một trận mưa, có nơi cả tháng đường sẽ lầy lội không thể chuyển được vật liệu", đồng chí Nguyễn Văn Thái - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã bộc bạch với đoàn. Các tổ chức xã hội trên địa bàn xã sẽ chung tay góp sức phá dỡ nhà cũ và vận chuyển gạch, cát, xi măng giúp dân xây nhà.
Bản Khuổi Tát xã Xuất Lễ nằm xa hút dưới chân dãy Mẫu Sơn và để vào đến nơi, đoàn Tình Người đã đi bộ một quãng đường thật xa. Nơi đó, sừng sững, xù xì và mộc mạc như núi rừng thôn bản quê mình, ông Lý Viết Sự (1953) và bà Nông Thị Hinh (1953) vui mừng đón Tình Người. “4 con gái lấy chồng hết rồi, con đi làm ăn xa hết rồi”, ông bà dựa vào nhau mà sống lay lắt qua ngày trong căn nhà đã quá cũ kỹ, dột nát, “mưa lấy nồi niêu hứng, già rồi ko làm được nữa”. Có 300 cây thông nhưng ông bà không còn sức đi làm được, không có đồng nào xây nhà.

Khảo sát nhà bà Nông Thị Hinh (1953) và ông Lý Viết Sự (1953) ở Khuổi Tát.
Ga đình anh Hoàng Văn Luân ở Bản Ngõa, Xuất Lễ đã chờ đoàn Tình Người từ sáng. Anh chị có 2 người con trai sinh đôi kháu khỉnh, thông minh, là một trong 3 cặp sinh đôi của thôn. “Mong muốn Hội Chữ thập đỏ xuống tán trợ cho em xây được căn nhà”, và rằng “Hội [Chữ thập đỏ] hỗ trợ bao nhiêu xây như thế”, vợ chồng anh Luân tâm sự. Hoàn cảnh của anh Luân dầu sao cũng còn hơn một số bà con khác của mình khi anh chị còn có rừng hồi cho thu hoạch hoa để bán, còn nuôi được bò, tích lũy được 2 nghìn viên gạch, và có một khoản tiền tiết kiệm dự trù cất nên căn nhà mới.

Gia đình anh Hoàng Văn Luân ở Bản Ngõa.
Gia đình anh Hứa Văn Thư (sinh 1965) chị Vy Thị Mạo (1967) nằm chơ vơ vách ta luy ven đường ở bản Tẩu Lìn. Anh bị tan biến 3 năm liệt nửa người trái, vệ sinh phải tự phục vụ hết. "Không đi chữa bệnh được vì không có tiền, có bảo hiểm y tế nhưng các chi phí khác không thể lo được", anh Thư tâm sự. Niềm an ủi lớn của gia đình là cháu Hứa Thảo Yên con anh chị học rất giỏi, năm rồi từng được đại diện cho trường, cho lớp về Thủ đô đến thăm Lăng Bác Hồ. Tấm liếp đất sơ sài và cũ kỹ của gia đình sáng lên nhờ treo đầy bằng khen của con và bằng khen gia đình văn hóa nhiều năm liền. Gia đình mong cất nên căn nhà mới để có một cuộc sống mới, chữa bệnh cho anh.

Đoàn Tình Người và đại diện cán bộ địa phương di chuyển đến nhà anh Hứa Văn Thư và chị Vy Thị Mạo ở bản Tẩu Lìn.

Tình Người trao quyết định xây nhà cho gia đình anh chị Hứa Văn Thư, Vy Thị Mạo.
Rồi bạn Lương Văn Lập (sinh 1996) ở Nà Rầm. Năm 2010 mẹ lâm bạo bệnh qua đời, bố lây bệnh từ mẹ và cũng theo mẹ giã từ cõi thế chỉ sau đó 28 ngày. Bạn Lập khi đó mới 12-13 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống qua ngày nhờ bà con chòm xóm, cô chú và bạn bè suốt từ ngày ấy đến nay đã 23 tuổi trong căn nhà ngày càng như nhà hoang. Lông bông nhưng không vướng vào các tệ nạn, trong làng vẫn đi làm xây dựng giúp người nên bà con thôn xóm ai cũng thương cũng quý. “Càng buông thả cháu càng trôi dạt”, địa phương quyết cùng Tình Người vào cuộc rốt ráo xây nhà cho Lập; và ngày hôm nay cháu hứa dọn dẹp nhà cửa, tu chí làm ăn, lấy vợ, "xây nhà xong xin chú cái giường, bộ bàn ghế để lấy vợ".

Mảnh đất và căn nhà hoang lạnh của em Lương Văn Lập ở Nà Rầm.

Bên trong căn nhà em Lương Văn Lập ở Nà Rầm. Chủ nhà ngồi ngoài cùng bên phải. Ngoài cùng bên trái là anh Nguyễn Văn Thái - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Xuất Lễ. Ở giữa là người bạn và cũng đại diện lãnh đạo tổ dân phố của em Lương Văn Lập.
Và thật đặc biệt, niềm vui đến với bạn Lương Văn Lập như nhân lên gấp bội khi hôm nay gia đình bạn gái của em ở xã Mẫu Sơn cùng huyện nhà cũng đón đoàn Tình Người về thăm, khảo sát và quyết định tài trợ xây nhà Chữ thập đỏ.
Khi yêu thương kết tụ và lòng người hòa hợp
Kết quả khảo sát toàn đoàn Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người ngày hôm nay tại Cao Lộc, Lạng Sơn được ghi trong biên bản, với đại diện các bên bao gồm phía huyện Cao Lộc là ông Nguyễn Duy Anh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, bà Hoàng Thị Dứa - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện; về phía Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người là ông Trần Ngọc Việt - Phó Chi hội trưởng. Đoàn khảo sát 51 căn nhà và đã quyết định 45 căn đạt tiêu chí xây mới nhà Chữ thập đỏ với tổng kinh phí xây dựng 5.117.150.000 đồng, trong đó Chi hội Tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người hỗ trợ 1.470.000.000 đồng, huyện Cao Lộc hỗ trợ 1.350.000.000 đồng, gia đình và các nhà hảo tâm khác quyên góp được 2.297.150.000 đồng. Thời gian xây dựng bắt đầu ngày 21/6/2019 và dự kiến hoàn thành trước ngày 30/9/2019. Riêng đoàn đi Xuất Lễ của chúng tôi ngày hôm nay khảo sát 6/7 căn đạt tiêu chí xây nhà Chữ thập đỏ. Những con số tuyệt vời minh chứng cho sự đồng lòng, chung sức từ cả cộng đồng hướng đến bà con mình.

Đoàn khảo sát trong căn nhà tạm bợ, trần thấp, vào lúc chiều tà nóng rừng rực, không điện đóm và không quạt mát của anh chị Nguyễn Văn Linh, Hoàng Thị Sới ở bản Ranh.

Đoàn Tình Người chụp tấm ảnh chung vui cùng gia đình anh chị Nguyễn Văn Linh, Hoàng Thị Sới ở Bản Ranh sau khi công bố kết quả khảo sát.
Nhưng mọi ngôn từ và mọi con số đều bất lực không thể lượng định, đong đếm những giá trị vô giá đã chan chứa nơi miền biên viễn ngày hôm nay. Xuất Lễ dưới chân dãy Mẫu Sơn hôm nay rộn tiếng cười, niềm vui, niềm lạc quan tin tưởng ngày mai tươi sáng. Trên cao kia, giữa chói chang nắng là ngăn ngắt xanh rừng xanh non, xanh trời xanh đất thượng ngàn núi Cha núi Mẹ, nơi ấy cũng có các đoàn Tình Người đang tỏa vào từng thôn bản của Mẫu Sơn, của Cao Lâu, của Thanh Lòa, Bảo Lâm, đến từng gia cảnh, gặp gỡ từng người, để chan hết sẻ chia, tương trợ bà con mình. Tình người thực sự đã về đây, ấm lòng bà con, đồng vọng và lan tỏa ngút ngàn núi rừng thiêng liêng biên cương phía Bắc của Tổ quốc thân yêu.