Chủ Tịch Hồ Chí Minh với Đạo Phật
Lời: Chủ Tịch Hồ Chí Minh với Đạo Phật
Phật giáo với tư cách là một triết thuyết về giải phóng, đề cao đức từ bi, hỉ xả, vô ngã vị tha; cứu khổ, cứu nạn,… khi truyền đến Việt Nam đã sớm được chấp nhận và trở thành một tôn giáo truyền thống của dân tộc, in đậm trong mỗi con người Việt Nam trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta.
Kinh điển Phật giáo Đại thừa nói rằng: Đức Phật khi sơ sinh đã bước trên bảy bông sen. Quả là một sự trùng hợp lí thú, khi chính quê hương Làng Sen cũng đã sinh dưỡng một danh nhân thế giới – Hồ Chí Minh. Hơn nữa, Đức Phật khánh đản vào rằm tháng Tư âm lịch, thì Hồ Chí Minh cũng được sinh ra sau rằm tháng Tư mấy ngày. Từ thủa thiếu thời, Hồ Chí Minh đã tiếp nhận ảnh hưởng sâu đậm những tư tưởng cao đẹp của Phật giáo ngay trong gia đình của mình. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì chính cụ Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Hồ Chủ Tịch trong thời gian dạy học ở Đồng Tháp đã chủ trương phục hưng phong trào Phật giáo như là nền tảng để phát động tinh thần yêu nước thương nòi của mọi tầng lớp sĩ phu nhằm chống lại giặc ngoại xâm.
Trên bước đường cứu nước, có những lúc Hồ Chí Minh đã từng làm một nhà tu hành. Khi hoạt động bí mật ở Thái Lan, Người sống một cuộc sống giản dị và kham khổ. Người cũng đã nghiên cứu giáo lí đạo Phật và sống một cuộc sống của một người tu hành. Theo lời của nghị sĩ Quốc hội Thái Lan Siphanômvishitvarason kể lại: “Bác Hồ là vĩ nhân văn hóa. Năm 1927, khi sang Thái Lan, Bác đã xây dựng chùa thờ Phật to nhất, đó là chùa Phôthixâmphon ở tỉnh Uđon – đông bắc Thái Lan. Bác là người đứng ra chủ trì xây dựng, vận động Việt kiều góp sức, góp của để xây dựng chùa thờ Phật cho hoàn thiện. Bác đến đâu cũng giúp ích cho nơi đó”.
Năm 1941, khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong điều kiện hết sức khó khăn giữa núi rừng Pắc Bó, Người đã vẽ ảnh Phật treo trên vách đá để quần chúng có nơi chiêm ngưỡng vào những dịp lễ Tết.
Mối quan hệ mật thiết giữa đạo Phật với dân tộc cũng đã được Bác Hồ khẳng định khi Người đến thăm chùa Quán Sứ vào năm 1945, sau khi Người đọc Tuyên ngôn Ðộc lập. Trong buổi nói chuyện với các nhà lãnh đạo Phật giáo, Người đã nói rằng: “… Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, tăng ni và phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần Từ bi, Vô ngã, Vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc”. Tiếp theo đó trong buổi tuyên thệ đoàn kết giữa các đảng phái tại chùa Bà Đá Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói: “Nhân ngày lễ Phật rằm tháng Bảy, tôi kính cẩn cầu nguyện Đức Phật bảo hộ Tổ quốc và đồng bào ta và tôi gửi lời thân ái chào các vị trong Hội Phật tử. Từ ngày nước ta trở nên Dân chủ Cộng hoà, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện“.
Đến năm 1947 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn khó khăn khốc liệt nhất, trong bức thư “Gửi Hội Phật tử Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ dàng mở mang… Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn. Nguời phải hy sinh đấu tranh, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết hy sinh của cải, xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc.
Chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều. Tôi cảm ơn đồng bào và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng mãi, cho đến ngày trường kỳ kháng chiến thắng lợi, thống nhất, độc lập thành công”.
Để tạo điều kiện giúp giới tăng ni, Phật tử tham gia phong trào yêu nước một cách thiết thực hơn, ngày 15-3-1946, Hồ Chủ tịch kí quyết định thành lập Việt Nam Phật giáo Hội, trụ sở tại 73 phố Quán Sứ. Người không bỏ lỡ cơ hội nào đi thăm các nơi thờ tự, các vị chức sắc tôn giáo. Tại Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã tới thăm chùa Quán Sứ, gặp các vị cao tăng, như Hòa thượng Tố Liên, Hòa thượng Thanh Hỷ, Hòa thượng Võ Thịnh. Người khẳng định: “Nhà nước chúng tôi luôn luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng. Phật giáo Việt Nam với dân tộc như bóng với hình, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, tăng ni và Phật tử, hãy tích cực thực hiện tinh thần từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước …”
Trong thời gian từ năm 1954 đến lúc qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm nhiều chùa, nhiều cơ sở Phật giáo ở miền Bắc, tiếp xúc với nhiều Tăng Ni, Phật tử. Ngày 8-1-1957, trong thư gửi các vị tăng ni và đồng bào tín đồ Phật giáo nhân dịp lễ Đức Phật Thích Ca thành đạo, Hồ Chủ tịch đã gửi lời khen ngợi các tăng ni và tín đồ đã “sẵn lòng nồng nàn yêu nước, hăng hái làm tròn nghĩa vụ của người công dân và xứng đáng là Phật tử”
Bác Bác Hồ với các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam, ngày 3/1/1957
Ngày 19-5-1958, vào dịp kỉ niệm lần thứ 68 ngày sinh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Chùa Hương. Trong những giây phút thanh thản giữa chốn thiên nhiên hùng vĩ phảng phất hương thiền, Người nói: “Chùa Hương là một nơi cảnh đẹp được thiên nhiên ưu đãi, cần được bảo vệ và mở mang quy hoạch lại, phải trồng cây cối cho đẹp để bà con trong nước và khách nước ngoài đến đây vãn cảnh”. Người đã chỉ thị cho chính quyền địa phương, Bến Đục, làng Yến Vĩ, phải sửa lại những con thuyền, làm thêm cầu phao và đắp một đường mới, để du khách và các tăng ni, Phật tử đi lại, chiêm bái, được tự do, an toàn.
Khi ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách kỳ thị tôn giáo, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Tăng Ni, Phật tử “hãy ra sức giúp đỡ cán bộ, hăng hái thực hiện mọi công tác của Chính phủ, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, ngăn chặn âm mưu của Mỹ – Diệm và bọn tay sai chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, hãy ra sức đấu tranh giành thống nhất đất nước”. Khi chính quyền Ngô Đình Diệm tiến đến chính sách tiêu diệt Phật giáo bằng việc ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Lễ Phật đản năm 1963, Tăng Ni, Phật tử miền Nam đã đứng dậy đấu tranh quyết liệt.
Để phản đối chính sách bất công, gian ác của chính quyền Ngô Đình Diệm, ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn. Trước sự hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức cảm động và Người đã có câu đối kính viếng Hòa thượng:
“Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt.
Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao những đóng góp, hy sinh của Tăng Ni, tín đồ Phật giáo trong hai cuộc kháng chiến. Năm 1964, trong thư gửi Đại hội lần thứ III Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, Người viết: “Các vị Tăng Ni, tín đồ Phật giáo trước đây có công với kháng chiến, nay thì đang góp sức cùng toàn dân xây dựng miền Bắc giàu mạnh và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”.
Trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Việt Nam vào thăm Người tại Phủ Chủ tịch, Người nói: “Tôi cũng học Phật và nhớ được một câu: “mình không vào địa ngục cứu chúng sinh thì ai vào?”. Sự thật, Người đã bước vào địa ngục trần gian thực hành hạnh Bồ tát giống như trước đây ngài Bồ tát Địa tạng đã từng phát nguyện: “Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề, Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật”.
Bác Hồ đang đọc tấm bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” tại chùa Côn Sơn tỉnh Hải Dương, ngày 15-02-1965
Cố Hòa Thượng Thích Thiện Châu đã nói: “Bác Hồ là Bồ tát, là vị La hán, bởi vì Người đã dành tất cả cho mọi người, không giữ gì riêng cho mình cả. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ như đóa sen giữa rừng hoa dân tộc Việt Nam, hội tụ đức tài của đất nước“. (Báo Nhân Dân ngày 22-1-1997).
Để thay cho lời kết bài viết này tôi xin mượn lời bài thơ “Thế kỷ 21 tu bù” :
Tu cho đất nước tu cho gia đình
Tu cho Tổ quốc phồn vinh
Học tư tưởng Bác ơn linh hồn Ngựời
Chính Bác đã tu trọn đời
Đắc thành chính quả cuộc đời thành tiên
Bác tu nhân đức thảo hiền
Bác tu trí tuệ cần chuyên nên người
Bác tu tâm đạo sáng ngời
Bác tu chí khí vì đời quên thân
Bác tu công sức quên thân
Bác tu dốc cả toàn phần công lao
Bác tu khí tiết anh hào
Tu làm cách mạng thanh cao tuyệt vời
Bác tu nhân phẩm trên đời
Đất nước có một trên đời không hai
Trọn cuộc đời tu dẻo dai
Bác có hình hài hồn Thánh giáng ban
Bác có hồn của thiên đàng
Hồn của đất nước Văn Lang diệu kỳ
Hồn của một bậc tiên tri
Đời đời hội tụ bước đi trường tồn.