Hành trình từ thiện về Cực Bắc của Tổ quốc
Lời: Hành trình từ thiện về Cực Bắc của Tổ quốc
Biên giới, hải đảo luôn là những vùng lãnh thổ vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Từ muôn đời nay, bao thế hệ nhân dân, chiến sĩ đã đổ mồ hôi, xương máu để gìn giữ toàn vẹn bờ cõi của đất nước.
Khi chúng tôi hành trình lên đến đỉnh Cột cờ Lũng Cú - nơi đánh dấu Cực Bắc của Tổ quốc - ai ai cũng trào dâng lòng tự hào dân tộc, xúc động, bùi ngùi, nước mắt tuôn rơi. Và trời đất như hiểu được lòng người - chỉ trong chốc lát thời tiết trên đỉnh Lũng Cú chuyển từ mây u ám và gió mạnh thành trời xanh và lặng gió.
Biên giới, hải đảo luôn là những vùng lãnh thổ vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Từ muôn đời nay, bao thế hệ nhân dân, chiến sĩ đã đổ mồ hôi, xương máu để gìn giữ toàn vẹn bờ cõi của đất nước. Chính vì thế, trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam từ bao đời nay luôn dành phần tình cảm vô cùng đặc biệt đối với biên giới và hải đảo xa xôi. Và tình cảm ấy càng nồng ấm trong trái tim của tất cả các thành viên của Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ Tình Người. Vì vậy, khi anh Ánh, chị Yến, và chị Ngọc khởi xướng Hành trình từ thiện: “Hướng về cực Bắc của Tổ Quốc” đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của toàn thể các anh, các chị trong nhóm “Mãi mãi Tâm” của Chi Hội. Mọi người phát tâm rất mãnh liệt cho hành trình, tiêu biểu như anh Ánh phát tâm 50 triệu đồng; chị Duyên phát tâm mấy chục bộ quần áo còn mới… Bác Quý, Chị Hằng, anh Trung, anh Ánh và chị Nguyên…ngay lập tức lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc hanh trình đặc biệt này.
Theo kế hoạch, Đoàn sẽ khởi hành vào ngày 05/11/2015, nhưng do một số lý do nên đến 20 giờ 15 ngày 23/11/2015 hai xe 29 chỗ chở Đoàn mới chính thức khởi hành. Bác Quý và anh Việt được giao phụ trách Đoàn. Tham gia Đoàn có tổng cộng 28 thành viên (trong đó có một thành viên đặc biệt), nhưng số người gửi tâm theo Đoàn thì vô lượng vô biên.
Vượt qua gần 300km di chuyển trong đêm, Đoàn đã đến Thành phố Hà Giang vào lúc 03 giờ ngày 24/11/2015. Sau khi được Chị Thúy – bạn của Chị Ngọc đưa đi ăn sáng, Đoàn chúng tôi khẩn trương di chuyển về Trường cấp 1 Xín Cái xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ.
Chúng tôi đặt chân đến đất Hà Giang đúng vào mùa hoa tam giác mạch – loài hoa làm say đắm bao du khách thập phương, nhưng dường như vẻ đẹp của loài hoa này không thể cám dỗ được những tình nguyện viên trong Đoàn bởi ai ai cũng giành hết tâm trí cho thầy và trò trường Xín Cái.
Tham gia trao quà tại đây, ngoài các thành viên trong Đoàn còn có đồng chí Phó Chủ tịch Xã Nghĩa Thuận và lãnh đạo Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận. Chúng tôi thấy xót xa khi chứng kiến tận mắt những khó khăn của thầy và trò nhà trường, và lặng người khi nhìn hăng gô cơm trưa của một học sinh con nhà “khá giả” mà chỉ có toàn cơm không thấy có thức ăn gì ngoài muối.
Món quà dành tặng các em học sinh là những chiếc áo ấm, các tấm chăn bông mới, đặc biệt là các tấm lòng đầy ắp yêu thương của Tình Người với hy vọng sẽ giúp các em vượt qua những ngày rét mướt ở vùng cao toàn đá này để vươn tới những điều tốt đẹp ở phía trước.
Buổi chiều Ngày 23/11/2014, Đoàn đi viếng Ngĩa Trang liệt sỹ, thăm Cột mốc Biên giới 325 và một số thành viên làm các công tác chuẩn bị cho chương trình giao lưu buổi tối.
Buổi trao quà và giao lưu với Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận điễn ra trong không khí vô cùng thân thiện và vui vẻ. Ngoài cán bộ chiến sỹ Biên phòng, còn có sự tham gia của đồng chí Bí thư Đảng ủy và một số thanh niên của xã Nghĩa Thuận. Những lời nói đầy ắp yêu thương nghĩa tình, những bài thơ, tiếng hát, những điệu nhảy vui nhộn, những bó hoa rừng … đã kéo dài Chương trình giao lưu quá 02 giờ so với kế hoạch.
Sáng ngày 24/11/2014, Đoàn chia tay Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận. Tuy chưa tròn một ngày được ăn và ở cùng các chiến sỹ Biên phòng nơi đây, nhưng tình cảm giữa Tình Người và các chiến sỹ thật là khó tả.
Đoàn tiếp tục cuộc hành trình của mình tới Đồn Biên phòng Lũng Cú. Đoạn đường này đã được các chiến sỹ Biên phòng Nghĩa Thuận cảnh báo là “Đoạn đường kiểm tra sức khỏe các thành viên trong đoàn” nên chúng tôi mãi tận 13 giờ chiều mới tới nơi.
Ngoài các món quà như các đồn Biên phòng khác, chúng tôi có vinh dự được trao tặng cho Đồn Biên phòng Lũng Cú món quà vô cùng đặc biệt: 09 lá cờ Tổ Quốc rộng 54m2. trước khi hành quân lên Cột Cờ Lũng Cú.
Chúng tôi thấy trào dâng trong lòng niềm tự hào dân tộc, xúc động, bùi ngùi, tuôn rơi nước mắt khi hành trình lên đến đỉnh Cột cờ Lũng Cú – nơi đánh dấu cực Bắc của Tổ Quốc, nơi vua Lý Thường Kiệt đã khẳng định biên cương Tổ Quốc bằng bằng các hồi trống sang canh từ hàng ngàn năm trước. Và dường như trời đất cũng hiểu được lòng người – chỉ trong chốc lát thời tiết trên đỉnh Lũng Cú chuyển từ mây u ám và gió mạnh thành trời xanh và lặng gió.
Chia tay cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Lũng Cú, Đoàn hành quân về Đồn biên phòng Đồng Văn, và gần 19 giờ Đoàn mới tới nơi. Tại đây Đoàn tiến hành trao quà và giao lưu với cán bộ chiến sỹ Biên phòng Đồng Văn tới tận đêm khuya.
Đến với bộ đội Biên phòng, chúng tôi mới thấu hết những khó khăn vất vả và những thiệt thòi, hi sinh thầm lặng của các chiến. Mỗi bước đi là mỗi gian lao, mỗi ngày sống là mỗi thử thách trước nghiệt ngã cuộc sống. Đâu chỉ trong chiến tranh mà ngay cả thời bình người lính vẫn phải chịu những thiệt thòi, lặng lẽ cống hiến hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước. Những người lính ấy, vừa là chiến sĩ, vừa là thầy giáo, thầy thuốc và cũng là cán bộ của địa phương nơi đóng quân nữa. Anh Việt rất tâm đắc khi anh Biên (Chính trị viên Đồn Đồng Văn) cho biết: “Các chiến sỹ biên phòng còn là các hộ lý trực tiếp đỡ đẻ cho bà con dân bản”.
Sáng 25/11/2015, Đoàn chia tay cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Đồng Văn. Anh Biên dẫn Đoàn thăm Mã Pì Lèng, thăm con đường “Hạnh phúc” và chợ Đồng Văn.
Trên đường trở về, cả Đoàn mới có dịp quan sát Cao nguyên đá Đồng Văn, mới hiểu được câu nói cửa miệng của người Hà Giang: “Sống trên đá, chết vùi trong đá”. Núi đá, ruộng đá, lởm chởm đá chông, đá tai mèo với màu xám ngắt, lạnh lùng. Người sống lấy đá xếp quanh mồ cho người chết; người sống lấy đá xếp quanh nền nhà, tạo thành chỗ ở vững chắc, kiên cố như thành lũy. Đá còn dùng để xếp thành chuồng trâu, chuồng bò. Trên nương, đá xếp thành vòng cung giữ đất, giữ nước. Trên sườn núi, đá xếp thành ruộng bậc thang, đá giữ lại vài dúm đất nhỏ nhoi, giữ giọt nước trong để gieo hạt lúa, hạt ngô; trồng cây đậu, cây rau (người dân ở đây phải gùi từng bao đất nơi xa về núi đá để trồng cấy). Nhưng chúng tôi rất tâm đắc với câu nói của anh Biên: “Không có đỉnh núi đá nào cao hơn đầu gối của người Mèo”
Sáng sớm ngày 26/11/2015 Đoàn về đến Hà Nội kết thúc thắng lợi Hành trình từ thiện Hướng về Cực Bắc của Tổ Quốc với chủ đề: “Hồn thiêng sông núi”. Trong lòng ai cũng cảm thấy tình yêu của mình đối với Cực Bắc của Tổ Quốc được nhân lên nhiều lần và tự nhủ luôn sẵn sàng cho các Hành trình tiếp theo của Chi hội.
Thay cho lời kết của bài viết này, tôi xin mượn lời của bài thơ “Mẹ” do bà Tư (thành viên cao tuổi nhất trong Đoàn) sáng tác ngay trên đường trở về:
“Mẹ ôm con trọn đời muôn kiếp
Mẹ ngân vang những bản nhạc không lời
Nhạc khẽ khàng ôm ấp trong nôi
Nhạc cần mẫn ruộng bậc thang nâng gót
Nhạc sắc nhọn của nốt cao thánh thót
Bàn đá chông cấm bước tiến quân thù
Nhạc tơ lòng của giọt lệ chiều thu
Con nằm xuống hiến dâng đời hạnh phúc
Nhạc tự hào cuốn quanh hình chuông úp
Núi chạy dài ghen đua bước chân đi
Nhạc gần xa mai mảnh thầm thì
Tam giác mạch chia tay vào nỗi nhớ
Nhạc huyền thoại khắc ghi muôn thủa
Đôi mắt rồng, đôi giếng ngọc gửi làm tin
Nhạc không lời bất tử tự trái tim
Đến tột cùng biết phá tan bàn phím
Đến mãnh liệt không thể gì lay chuyển
Vẫn ôm con muôn kiếp trọn muôn đời.”